Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Tòa soạn bản tin ĐHQGHN năm ấy
Thoáng một cái thế mà đã 10 năm trôi qua. Đó là mười năm sinh thành và phát triển của Bản tin ĐHQGHN. Khi nhớ ra là Bản tin đã tròn mười năm, những người thuộc thế hệ bốn, năm mươi như đám chúng tôi không khỏi giật mình: Thì ra mình đã sống qua một thập niên cùng tờ báo của nhà.

Sau 10 năm, gương mặt Bản tin gần như đã thay đổi hẳn. Từ một tờ tin vắn mỏng manh, họa tiết trang trí sơ sài, nay Bản tin đã dày dặn, bề thế và trang trọng như một nguyệt san trong hệ thống báo chí trung ương. Tất nhiên sự khởi sắc, hồng hào của nguyệt san này gắn liền với cơ đồ tươi sáng và sự nghiệp lớn của ĐHQGHN. Nốt thăng, nốt giáng của nó không nằm đâu ngoài dàn nhạc giao hưởng đào tạo - nghiên cứu của ĐHQGHN.

Nhớ lại cái buổi sinh thành của Bản tin, tôi vẫn thấy động đậy đâu đó trong lồng ngực cái nỗi lo âu, phấp phỏng khi chờ số báo đầu tiên ra mắt bạn đọc. Rồi những số báo tiếp theo. Quả thực khi đó nhiều lúc tôi thấy rất nản lòng vì quá mệt mỏi.

Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này là GS. Nghiêm Đình Vỳ. Ông vốn là Phó giám đốc ĐHQGHN kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nên công việc bù đầu. Cái chức Tổng Biên tập ông giữ là giữ cho đúng nghi lễ vậy thôi. Phó Tổng biên tập của ông mới đích thực là người chủ soái, người có công di chuyển tờ tin của Đại học Tổng hợp Hà Nội về cho ĐHQGHN. Người ấy không phải ai xa lạ mà chính là GS.TS Nguyễn Văn Thỏa. Tuy nhiên, trong những tháng đầu tiên của Bản tin, mối quan tâm lớn nhất của Giáo sư Thỏa là việc thành lập Nhà xuất bản. Công việc cụ thể của Giáo sư Thỏa là chờ anh em làm xong thì đọc duyệt trước khi xin chữ ký phát lệnh của Giáo sư Vỳ. Bởi hai vị "tổng trưởng" và "tổng phó" bận bịu như vậy, mọi việc rơi vào đầu tôi cùng mấy anh em làm báo trẻ trong tòa soạn.

TS. Phạm Thành Hưng - nguyên Tổng biên tập Bản tin ĐHQGHN

Phòng làm báo, gọi cho sang là "Tòa soạn Bản tin" khi đó là một căn phòng nhỏ nằm trên tầng ba của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khó khăn đủ bề, may mắn thay, nhờ kinh nghiệm viết lách, chụp chiếu và kinh nghiệm “lỳ đòn” từ thời tạp chí Đại học Tổng hợp Hà Nội, mấy anh em, thầy trò chúng tôi đã trụ vững, không để Bản tin tan nhanh trong thời kỳ trứng nước. Có điều sức người có hạn. Tôi cố gắng lắm cũng chỉ trụ vững được trong Bản tin với tư cách Thư ký tòa soạn được khoảng một năm là phải “bỏ của chạy lấy người”. Nói cho đúng ra, khi đó tôi đi làm xa quá, mỗi ngày đi về gần 30km, vừa mệt, vừa không có tiền mua xăng. Không những thế, tôi lại nhớ lớp, nhớ trò, nên quyết định trở lại với bục giảng. Nể tình bạn bè, các anh Đào Đức Doãn, Phùng Ngọc Kiếm lại thay tôi làm thư ký, tiếp tục góp công vun đắp cho ĐHQGHN.

Tổng biên tập Bản tin PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh

Ngẫm lại, nếu tính thâm niên và độ bền chung thủy, phóng viên Bùi Tuấn là người ăn ở với Bản tin tình nghĩa nhất, lâu năm nhất và cũng đằm thắm nhất. Mười mấy năm qua rồi Bùi Tuấn vẫn giữ nguyên khuôn mặt trẻ trung, tươi sáng, trong lành như những ngày đầu tiên ra báo. Hôm ấy, có một cộng tác viên đến gửi bài. Gõ cửa Tòa soạn, trông thấy Bùi Tuấn đang ngồi bên máy tính, cô cộng tác viên lên tiếng nhắc nhở: "Em cầm cái phong bì này đưa bố hộ chị. Bài đăng báo đấy. Đừng có gõ loạn xị lên thế, hỏng máy của bố". Bùi Tuấn chỉ tủm tỉm cười. Cô ta nghĩ là Bùi Tuấn đến cơ quan bố, trông phòng. Còn đem chứng minh thư ra soi, có khi cô ta còn thua tuổi vợ anh. Những tấm ảnh Bùi Tuấn chụp là xuất hiện lần đầu trên các bìa sách, bìa báo trung ương. Anh làm phóng viên ảnh tự do nhiều năm trước khi thành phóng viên Bản tin ĐHQGHN. Có biết bao đêm anh thức với kho phim tư liệu, hì hục pha thuốc, rửa ảnh và đứng kèm bên thợ in của ông Giám đốc Trần Văn để theo dõi, rà soát lại từng trang báo. Không thể hình dung Bản tin này mà lại thiếu vắng những tấm ảnh bìa độc đáo, bắt mắt, đầy tính chuyên nghiệp của nhà báo Bùi Tuấn.

Phố cổ Hội An qua con mắt của phóng viên Bùi Tuấn được đăng trên báo Bản tin số Tết năm 2000

Nhà báo nổi tiếng thứ hai của Bản tin là Thạc sĩ Lưu Thị Mai Anh. Buổi đầu tiên cô đến nhận việc, thoáng nhìn qua khuôn mặt, dáng người, tôi hiểu ngay rằng đây sẽ là người nội trợ đảm đang, tháo vát và sẽ tay hòm chìa khóa mãi mãi cho Bản tin. Tất nhiên cái hòm của Bản tin không phải là hòm tiền, mà là hòm bản thảo. Mai Anh là người biết chi tiêu nguồn bản thảo và biết thăm dò, khai thác đến cùng kiệt các nguồn bản thảo. Nói chung, cô đã đặt bài ai, người đó khó lòng chạy thoát. Các bài phỏng vấn, bài viết của cô xuất hiện rất đều đặn và đầy đặn trên các chuyên mục. Rất khó xác định cho Mai Anh một công việc chính. Mai Anh nhận bài như một thường trực. Mai Anh biên tập như một biên tập viên. Mai Anh lấy tin như một phóng viên. Mai Anh đánh máy như một kỹ thuật viên chế bản. Mai Anh chi trả nhuận bút như một thủ quỹ. Năm đầu tiên, thấy cô mải miết với công việc, họa sĩ Ngọc Anh - cộng tác viên số một của Bản tin, nói với tôi: "Anh bảo "nó" làm việc từ từ thôi. Con gái làm thạc sĩ làm gì cho khổ. Học cao, khó lấy chồng, mà phụ nữ, cái ấy là quan trọng nhất, phải không anh?".

Thư ký tòa sọan Lưu Mai Anh

Nghe chàng họa sĩ trẻ này khuyên thế, tôi cho là lời khuyên chí lý. Tôi gật gù tâm đắc, định bụng hôm nào sẽ nhắc khéo Mai Anh. Nhưng tôi gật gù chưa được mấy ngày đã thấy Mai Anh đưa thiếp mời. Không những thế, chú rể của Bản tin lại còn là một giảng viên đại học rất đẹp trai, tài hoa và phong độ rất can trường. Đi đám cưới, ngồi uống rượu với Ngọc Anh, tôi bảo: "Toàn lo bò trắng răng. Thằng trên cây lại lo thằng dưới đất”. Mười năm qua đi, họa sĩ trẻ này vẫn chưa lấy xong một vợ. Anh chàng toàn lo bạn bè ế chồng, còn chính mình thì lại không ý thức được rằng mình đang rơi vào biên chế của "Hội ế vợ Đại học Quốc gia”.

Họa sĩ Ngọc Anh

Tòa soạn Bản tin hôm nay đã có một căn phòng khang trang trên tầng 7 của Nhà điều hành Đ
HQGHN ở khu vực Cầu Giấy. Bản tin đã có thêm một cử nhân Báo chí đến làm việc - cô Đỗ Ngọc Diệp. Mạng lưới cộng tác viên của Bản tin đã được mở rộng tới từng đơn vị của ĐHQGHN với sự cộng tác nhiệt tình của Lê Thanh Hà (ĐHKHXH&NV), Nguyễn Thanh Tú (ĐHNN)... Nhưng thêm người là do thêm việc. Song song với tờ báo in trên giấy, Bản tin còn có thêm trang báo điện tử. Mỗi lần tôi ghé qua chơi, các nhà báo nội địa ĐHQGHN vẫn không mấy khi ngẩng đầu, vì vẫn đang hì hụi chọn bài, sửa ảnh. Tổng biên tập mới của Bản tin - PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh đến làm việc đã thổi vào Bản tin một luồng gió mới. Bản tin sang trọng hơn, các chủ đề phong phú hơn, hấp dẫn hơn. Độc giả sinh viên và cán bộ đã quen với việc chờ đón Bản tin phát hành, như một món ăn "nhà làm ra" không thể thiếu được. Tuy nhiên, để Bản tin có được địa vị như một món ăn tinh thần không thể thiếu, tôi hiểu rằng cái giá phải trả ấy là sự lao động kiên nhẫn, niềm say mê sáng tạo đêm ngày của Bùi Tuấn, Mai Anh, Ngọc Anh, Ngọc Diệp và sự điều hành, tổ chức thận trọng, khéo léo của bà chủ báo Nguyễn Thị Việt Thanh.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhớ tới buổi hàn vi của Bản tin ĐHQGHN ngày nào, tôi viết vội mấy dòng hồi ức và cầu chúc cho nguyệt san này tươi tắn mãi và cũng hàn lâm mãi, đúng như gương mặt của những người làm báo, và nhịp nhàng, thịnh vượng trong cơ đồ tươi sáng của ĐHQGHN chúng ta.

 Phạm Thành Hưng* - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 172, tháng 6/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :