Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Mưa thì thầm là mưa… sắp xa
“Tháng sáu mùa thi …”. Mùa của những cơn mưa. Nó thuộc làu những bài hát về mưa và mùa hạ. Chao ôi! Sao mà nó yêu cái lành lạnh của cơn mưa đến vậy. Mùa mưa - mùa thi cũng đang đến thật gần - Nó cũng chưa cảm nhận sâu sắc lắm cho đến cái ngày hôm nay nó đạp xe đến trường dưới vội vã cơn mưa…

Chiếc xe đạp của nó kéo dài những đường thẳng đầy đất đỏ khi nó dắt vào nhà để xe. Với lấy cái cặp từ rổ mà mẹ nó đã bọc kĩ bằng một cái bọc ni lông. Cởi nhanh cái áo mưa đang mặc trên mình, nó đi nhanh về dãy phòng lớp C. Bước vào lớp với bộ áo dài ướt sũng còn hơn “con chuột lột”, lạnh run, nó bỏ cặp vào hộc bàn. Cái hối hả của cơn mưa ngoài kia chạy sộc vào lớp cùng với nó. Nhích cái ghế sang một bên, vừa bước ra khỏi bàn nó vừa đưa mắt nhìn khắp giảng đường. Vắng hoe. “Gần 7 giờ rồi mà!” Nó nhủ thầm . Bạn bè nó mỗi đứa như những sợi mưa lạc trước thềm cứ từng đợt đi vào.

- Sao mày đi trễ vậy ? Nó nhìn đứa bạn thân vừa đến hỏi.

- Mưa mà mày! Tao ngủ quên. Mày cũng đâu đi sớm!

Trinh - cô bạn thân của nó vừa giũ áo mưa vừa vắt lên cửa sổ nháy mắt cười tinh nghịch. Những cái xuýt xoa vì lạnh. Những cái đầu ổ rơm như vừa vắt ráo nước. Nó không thể ngồi ngay xuống ghế vì mình mẩy đẫm nước. Đứng ngoài cửa lớp nó đưa tay gỡ từng làn tóc rối và... run. Ngoài kia những hạt mưa đang đan chéo nhau rơi xuống. Những cành phượng đỏ âm thầm, tươi tắn tắm trong mưa đón cái khởi đầu mới mẻ cho những mầm xanh non. Mãi nhìn nó giật mình vì tiếng của một cậu bạn trai:

- Lược nè Yến!

Quay lại, mắt chữ A mồm chữ O. Nó nhìn cậu bạn đang chìa cây lược về phía nó như nhìn động vật từ Sao hỏa. “Trời bữa nay sao cậu ta bạo thế!” . Ý nghĩ chạy qua đầu nó. Nó nhìn cậu bạn chằm chằm.

- Làm gì mà Yến ngạc nhiên thế? - Khoa nhìn nó, phân bua - Tại tôi thấy tóc Yến rối nên... Lược của tôi đó!

- Thảo nào trời bữa nay mưa dữ!

- Sao cơ!

- À không có gì! Nó bật cười.

Dường như có một cái gì đó rất lạ len lỏi vào chừng ấy thành viên trong lớp. “À! Phải rồi! Sự thay đổi!”. Thứ hai tuần trước, nó cầm trên tay cuốn lưu bút của Hồng Loan - cô nữ sinh chanh chua mà nó chúa ghét. Nhớ buổi đầu nhập trường, mới ngồi học chưa ấm chỗ ở góc giảng đường này, nó đã được Hồng Loan gắn cho cái tên: “Tiểu Yến Tử”. Mấy chàng trai của lớp cứ được dịp là lôi cái biệt danh ấy ra đùa cợt. Đã có lúc nó cảm giác sẽ không bao giờ tha thứ được cho cái cách cạnh khóe của Hồng Loan. Những giận hờn suốt mấy năm đại học bỗng nhiên tan biến khi Loan đưa cho nó cuốn lưu bút với lời xin lỗi: “Mình biết, suốt 4 năm qua Yến luôn ấm ức. Nhưng chẳng nhẽ người ta giận nhau chỉ vì một cái tên?”. Nó bật cười và bỗng thấy mình sao thật dễ tha thứ! Nó cũng chứng kiến cảnh tập thể nữ giới trong lớp “tròn xoe mắt” khi 6 chàng trai nhút nhát “đua nhau” thổ lộ tình cảm với chị em bằng những món quà thật ngộ nghĩnh, dễ thương. Rồi tới bây giờ, ngay cả cái cậu bạn tóc dài nghệ sĩ, quanh năm đến giảng đường chỉ với một cuốn vở, ngồi một chỗ và chẳng trò chuyện cùng ai lại chủ động quan tâm đến nó đến thế.

- Sao điệu thế! Đàn ông đến lớp mà cũng đem lược?

Chiếc lược được cào lên mái tóc rối của nó đang sũng nước vì mưa. Nó thấy vui vui và má mình nóng hổi. Cái khoảng cách về giới mong manh dường như được xóa đi trước mắt nó. Tiếng chuông vào giờ học, nó ngồi xuống sượng sùng vì quần áo chưa khô hết. Nhìn qua phía Khoa, nó cười và đưa trả cây lược thay một lời cảm ơn. Nó ngượng. Và... cậu sinh viên tóc nghệ sĩ cũng bẽn lẽn mỉm cười.

Phía ngoài giảng đường, mưa đã tạnh, mọi vật đang thay đổi. Mấy chú chim sẻ lích chích dưới mái hiên. Hoa phượng lại thêm đỏ rực sau cơn mưa ấm nóng. Luồng gió nhẹ bứt vài chiếc lá khô rãi xuống sân như thầm trách mùa hạ về không báo trước. Nó cũng đang thầm trách mùa hạ sao qua nhanh.

Mắt vẫn chú ý lên bục giảng nhưng trước mắt nó không phải là những câu chữ của môn học. Bên tai nó không là tiếng trầm ấm của thầy với bài giảng về tâm lý lứa tuổi mới lớn. Bất chợt nhìn ra sân và trong khoảng khắc hiếm hoi ấy nó bắt gặp được bao thứ đổi thay dưới cơn mưa. Nó và các thành viên trong lớp cũng đang thay đổi vì một điều đơn giản bởi đây là những giờ học cuối cùng của thời sinh viên...

 Diệp Chi - Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 208 - 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :