Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Cuối trời thênh thang
Tôi biết Trần Hoà Bình một lần tình cờ trong giảng đường Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khi anh - với tư cách là một giảng viên dạy về lịch sử báo chí cho sinh viên. Đó là một người đàn ông cao lớn có cặp kính cận dầy cộp trên gương mặt Đôn Ki-hô-tê với mái tóc bồng bềnh, vận áo phông màu tàn thuốc lá, quần jean bạc màu, giày thể thao trắng, trên tay lúc nào cũng cặp điếu thuốc, bất kể trên lớp hay trong giờ giải lao.

Người ấy ngồi ghé lên chiếc bàn đầu tiên dành cho sinh viên để giảng bài, chẳng bao giờ yên vị trên chiếc ghế giảng viên nơi bục giảng, thường hay đi lại giữa những dãy bàn như muốn xóa nhòa khoảng cách giữa giảng viên với sinh viên… Con người ấy, phong cách ấy đã để lại trong tôi ấn tượng mạnh, và cuộc tìm kiếm của tôi về thầy bắt đầu từ sau buổi tìm hiểu về 2 học giả Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh…

Thì ra trong ký ức tôi đã có Trần Hoà Bình. Trang lưu bút tuổi học trò viết vội còn thấm đầy nước mắt lưu luyến trong khoảnh khắc chia tay vẫn khắc khoải những dòng thơ: “Thêm một chiếc lá rụng/ Thế là thành mùa thu...”. Khi mà những kỷ niệm học trò đã mãi thuộc về quá khứ thì vẫn còn đó tình bạn cao khiết, sáng trong, vẫn còn đó cái sâu sắc, tài hoa trong tư duy thơ và vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ Trần Hoà Bình. Cái trạng thái rụt rè, dùng dằng “thêm một” mà thực ra là bớt một ấy là tâm thế của thi nhân hay tâm trạng của tuổi học trò, khi tình bạn được đẩy tới giới hạn mà ngập ngừng không dám (mà cũng không thể) bước qua giới hạn đó. Suy nghĩ ấy cứ ám ảnh, day dứt tôi để hôm nay tôi đã gặp được con người ấy. Đã xa lắm rồi, hơn hai mươi năm trước, trên một con phố Hà Nội trong một chiều tan học, gã lãng du Trần Hoà Bình bất chợt giật mình vì chiếc lá rơi trúng đầu. Bối rối ngước nhìn vòm cây cổ thụ, gã bỗng nhận ra mùa thu đến tự lúc nào để rồi chiếc lá rụng như một phong vận buộc chăt vào gã. Trần Hoà Bình không phải là thi sĩ chỉ với duy nhất một bài thơ. Nhưng gã là nhà thơ theo kiểu Trương Kế, Thôi Hiệu hay Thâm Tâm, những nhà thơ chỉ với một bài đã trở thành bất tử. Cứ Trần Hoà Bình là phải Thêm một mặc dù gã vẫn còn những bài cũng tài hoa không kém: Không đề, Ngủ đi những đoá hoa, Bài hát ru hoa sen

Gặp Trần Hoà Bình trong giờ học báo chí, tôi mới vỡ lẽ, hoá ra tác giả những vần thơ đẹp và hào hoa ấy là một nhà báo tài tử. Nghề báo cũng vất vả và lãng du, cũng “lêu bêu”, “lang bang” (chữ của Trần Hoà Bình) như chính cuộc đời Trần Hoà Bình. Rất ít người biết Tầm Thư, một chuyên gia “gỡ rối tơ lòng” trên Báo Tiền Phong lại là một Trần Hoà Bình tài tử và phóng túng. Người ta chỉ biết rằng, “chị” Tầm Thư là một người sắc sảo và thông minh, giải quyết khá “sạch sẽ” những vấn đề tình cảm rối như tơ vò. Đó cũng lại là “phong vận” của Trần Hoà Bình…

Nhà báo Như Bình kể lại cuộc nói chuyện cuối cùng với Trần Hoà Bình: “Thật ra, tớ (tức Trần Hòa Bình) đã có một tình yêu mà đến lúc tớ có cảm giác cần cô ấy như một người vợ, và sau bao nhiêu phiêu bạt, tớ chắc chắn mình đã nghĩ đến chuyện nghiêm túc nhất là cưới vợ, nhưng chưa kịp nói ra cái ý định nghiêm túc này thì cô ấy đã tuyên bố chia tay vì chờ đợi cái kết thúc có hậu cho một tình yêu ở tớ là quá lâu. Thế nên tớ không nói nữa, nói thành ra là để níu cô ấy lại trong khi cô ấy đã muốn đi, thì nói có ý nghĩa gì...”.

Rất có thể đến những ngày cuối đời, Trần Hoà Bình vẫn lãng đãng theo những vần thơ oan nghiệt: “Thêm một đêm trăng tròn/ Lại thấy mình đang khuyết...”. Là dự cảm ư? Chẳng phải! Hay là nghiệp chướng của Trần Hoà Bình? Không biết! Chỉ thấy rốt cuộc, Trần Hoà Bình vẫn phiêu du như chiếc lá vàng tự năm nảo năm nào.

Trong lòng bạn bè, Trần Hòa Bình như một triết gia xuất thế, hai chân luôn lơ lửng trong cõi phiêu diêu nào đó. Anh cứ tự nhận mình là Hoàng tử bé (Le petit prince) lang thang giữa cuộc đời nhiều phức tạp, cứ phiêu du như chiếc lá vàng giữa mùa thu, để rồi cuối cùng cũng đủ tỉnh táo để đối diện với chính mình trong dang dở và hoài vọng.

Trong ký ức của nhiều thế hệ học trò, Trần Hoà Bình là một người thầy khả kính. Thầy Bình luôn muốn biến cái giảng đường mô phạm thành một diễn đàn dân chủ, muốn khai khẩu tiếng nói đối thoại trong thế hệ trẻ. Nhật ký sinh viên của tôi còn ghi rõ: “13h 30’ ngày 18/03/08, Trần Hoà Bình dạy lịch sử báo chí Việt Nam. Bài giảng về Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương tạp chí để lại nhiều ấn tượng. Sâu đậm nhất là về con người học thuật Nguyễn Văn Vĩnh: tư duy tốt (có thể làm bốn việc một lúc), ngoại ngữ giỏi (dịch Ngụ ngôn La Phông-ten, Những người khốn khổ, Kiều…). Đặc biệt xúc động về Phạm Quỳnh - chủ bút tờ Nam Phong: tư tưởng chính trị còn nhiều tranh cãi, rất giỏi trong tổ chức bút chiến, đặc biệt là cuộc tranh luận về Truyện Kiều, có nhiều đóng góp về văn hoá, cái chết của Phạm Quỳnh gây nhiều điều hoài nghi. Chú ý hỏi thầy xem ý kiến riêng của thầy thế nào? (PS nhấn mạnh). Đặc biệt ấn tượng với phong cách của thầy - một con người đầy cá tính...”.

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn day dứt với dòng chữ ghi bằng bút đỏ với dấu chấm hỏi trong cuốn sổ nhỏ của tôi. Cơ hội đến, rồi vụt qua tầm tay để giờ đây tôi không bao giờ có thể gặp lại lối tư duy độc lập, sắc sảo của Tầm Thư Trần Hoà Bình được nữa! Cũng nói thật, tôi thấy Trần Hoà Bình có nét gì đó rất giống Trịnh Công Sơn. Cũng mái tóc loà xoà trong gió, cũng điếu thuốc lá trên tay, cũng đôi mắt mở to như luôn ngơ ngác trước cuộc đời ẩn sau cặp kính cận dầy cộp. Trịnh là “gã du ca qua nhiều thế hệ”. Còn thầy Bình tôi là gã lãng tử phiêu du giữa cuộc đời. Có lẽ họ có cùng nhân sinh quan thi sỹ nên giống nhau về điệu sống và cá tính chăng?

Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu”. Chiếc lá Trần Hoà Bình đã rơi về cội được một mùa thu. Mùa thu này, chúng ta không còn Trần Hoà Bình nữa. Nhớ Trần Hoà Bình, tôi cứ băn khoăn với dòng chữ đỏ trong nhật kí của tôi. Vĩnh viễn tôi chẳng bao giờ có thể được nghe thầy giảng bài nữa. Không bao giờ tôi được tự mình thẩm thấu tư duy Trần Hoà Bình. Cá tính thầy Bình với tôi mãi vẫn còn là dấu hỏi lớn. Nhớ Trần Hoà Bình, tôi lại tưởng tượng hình ảnh chàng thi sĩ ngẩn ngơ giữa mùa thu với những câu thơ “trời cho” trong chiều rụng lá. Nhớ Trần Hoà Bình, tôi vẫn thường lẩm nhẩm bài hát Trịnh Công Sơn: “Xin cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang”...

 Đinh Đức Long - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 222, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan