Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán: Người ghét... nói!
Giới văn chương báo chí hầu như không ai không biết nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán. Ông lúc nào cũng hối hả đi, hối hả chụp, ở đâu cũng thấy “xạch xạch” nhiều khi phát sốt ruột.

Không ai tưởng tượng được cảnh Nguyễn Đình Toán ngồi nhâm nhi một ly cà phê là thế nào. Nhiều người chê Nguyễn Đình Toán không biết sắp xếp và thưởng thức cuộc sống. Thực ra, chụp ảnh đã chính là cách thưởng thức cuộc sống của ông rồi. Mà nhờ những hối hả ấy, đến nay Nguyễn Đình Toán đã có bộ sưu tập ảnh khổng lồ về giới văn chương, nghệ thuật mà những tay chụp khác biết là... ngán hẳn. Đặc biệt đáng chú ý trong bộ sưu tập của ông là dòng ảnh chân dung các văn nghệ sỹ, với nhiều bức rất đẹp, được báo chí sách vở dùng đi dùng lại.

Nổi tiếng thế nhưng tuyệt nhiên không thấy nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán nói gì trên báo bao giờ. Chẳng lẽ báo chí lại sơ suất đến nỗi bỏ qua một gương mặt thú vị như vậy? Hóa ra không phải, tất cả chỉ vì Nguyễn Đình Toán... ghét nói! Khó khăn lắm chúng tôi mới có được cuộc nói chuyện này với ông.

Ông nổi tiếng có bộ ảnh đẹp và phong phú chụp chân dung các nhà văn, nhà thơ. Vì sao ông lại hứng thú chụp họ đến thế?

Tôi không ý thức việc này ngay từ đầu. Chỉ nhớ hồi nhỏ anh tôi có một tủ sách văn học, và tôi rất thích đọc. Trong nhiều cuốn có ảnh của các tác giả, tôi thường ngắm nghía và hình dung về họ. Khi bắt đầu vào nghề, tôi thích chụp nhiều thứ, phong cảnh, hoa lá, nhưng dần dần tôi hứng thú với chụp con người. Mà bạn bè, những người quen biết của tôi phần nhiều là văn nghệ sỹ, và vì thế tôi hình thành trong mình ý thức chụp chân dung của họ để lưu giữ về sau.

Khi chụp chân dung các nhà văn, nhà thơ, ông chú ý đến điều gì nhất?

Phải tự nhiên. Ai cũng có một hoàn cảnh sống riêng, một nơi chốn riêng, một dáng vẻ riêng, thế thì phải cố gắng chụp để thể hiện cái tự nhiên chân thật ấy. Tôi không thích sắp đặt. Khi tôi định bấm máy mà người ta mất tự nhiên, hoặc sửa sang là tôi không chụp nữa. Tất nhiên điều này khác với cái tự nhiên chủ nghĩa. Tự nhiên chủ nghĩa là chụp bừa. Tôi phải “rình” những thời điểm tốt, khi khuôn mặt nhân vật bộc lộ một khoảnh khắc có tinh thần, khi ánh sáng và bố cục hợp lý..., rồi “tách tách”. Bắt được những lúc ấy là chụp không tiếc tay, kể cả ngày xưa chụp phim cũng thế. Lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Đoàn Tử Huyến, khoái dáng vẻ của ông ấy quá, tôi chụp hết sạch cuộn phim mới thôi.

Trong những cuộc gặp mặt, những cuộc vui, ông có cảm thấy mình là người bên lề?

Tôi không nghĩ thế. Chụp ảnh là niềm vui. Mà tôi còn thích là người bên lề, vì như thế tha hồ tung hoành, khi không ai để ý, mình sẽ bắt được nhiều điều thú vị.

Tên của ông xuất hiện trên báo chí rất nhiều, và rõ ràng ông đã là một nhà nhiếp ảnh có tiếng. Nhưng hình như ông rất hiếm khi “ra lời”, mặc dù ngoài đời khá cởi mở?

Nói thật đây là lần đầu tiên tôi trả lời phỏng vấn. Tôi không muốn mất thời gian vào việc nói, lời nói hay để lại điều thị phi, làm đầu óc phải bận tâm, còn tôi chỉ muốn tập trung vào công việc. Nhiều người cũng ghét tôi chỉ vì tôi...không chịu nói! Không nói, cứ lẳng lặng làm, đó là cách của tôi.

Giá trị của ảnh Nguyễn Đình Toán là...

Là giá trị tư liệu, là những khoảnh khắc quý giá mà tôi bắt được, những khoảnh khắc không bao giờ lặp lại.

Chỉ là giá trị tư liệu thôi sao? Như thế thì có khác gì ảnh báo chí, trong khi những loạt ảnh chân dung các văn nghệ sĩ của ông thực sự rất đẹp, rất có hồn?

Chắc ý bạn muốn nói đến ảnh nghệ thuật. Tôi cũng chụp nhiều ảnh kiểu báo chí, đương nhiên vẫn cố gắng và vẫn phải chụp tốt. Còn tôi khá dị ứng với cụm từ “ảnh nghệ thuật”. Tôi không thích lối chụp kiểu sắp đặt trong studio, hoặc sắp đặt ngoài trời, hoặc là có can thiệp kỹ thuật. Tôi chỉ thích săn chân dung bạn bè văn nghệ sỹ, khi chụp, tôi cố gắng thể hiện họ ở góc độ tôi cho là tốt nhất, ra “chất” của họ nhất, tự nhiên nhất. Cũng có thể là tôi chơi với họ nhiều, hiểu họ, nên hay bắt được cái “chất” của họ chăng. Còn gọi đó là ảnh nghệ thuật hay không với tôi không quan trọng lắm. Quan trọng là tôi - người chụp - thích, người được chụp thích, bạn bè và những người khác xem cũng thích, rồi báo chí sách vở cũng thích mà dùng, thế là vui nhất.

 Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 214, 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :