Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Mở trang nhật ký sinh viên:Tôi đi học nói trước đông người
Tôi may mắn nhận được lời mời tham dự lớp “học nói” này, một khóa đào tạo ngắn ngày nhưng thực ý nghĩa đối với những người trẻ tuổi. Đúng như tên gọi của nó, lớp học Kỹ năng thuyết trình ở Tâm Việt đã làm thay đổi cách nhìn của tôi về cuộc sống...

* Buổi đầu tiên: Tôi hồi hộp dắt chiếc xe đạp vào gửi trước ánh mắt dò xét của những người bảo vệ.

18 giờ 10 phút: Nhận vội cái biển tên, tôi đi thẳng vào lớp. Đã cố gắng đi thật sớm mà vẫn muộn 10 phút, chỉ tại cái xe cọc cạch. Ôi! Sao mà đông người thế này! Vừa ngồi vào bàn, chưa ấm chỗ thì tiếng chuông điện thoại của một anh bên cạnh réo lên từng hồi. Anh ta có vẻ lúng túng, bởi vì cả lớp đang bàn đến “luật rừng” để xử phạt những “nhân” tội nghiệp: “Nếu để chuông điện thoại reo trong lớp thì phải xử phạt như thế nào?". Hầu hết các bài học đều được gắn liền với một trò chơi hoặc một hoạt động cụ thể. Bài học đầu tiên của chúng tôi được rút ra sau khi thầy Huy bắt từng đôi một đổi dép cho nhau. Tôi xỏ chân vào một đôi "cao gót" nhỏ xíu của một partner và thấy mình thật buồn cười, ngược lại partner của tôi chỉ có thể ngó đôi xăng đan đại tướng của tôi mà không dám xỏ vào. Mỗi người hãy đặt mình vào vị trí của người nghe để lựa chọn nội dung nói, trình bày cho phù hợp. "Vấn đề không phải chúng ta nói thế nào mà người nghe cảm nhận thế nào?".

Mỗi buổi học, chúng tôi đều được tham gia “buôn dưa chuột” ít nhất 4 lần. Tức là mỗi người phải làm quen với một người bạn mới bằng bất cứ cách nào. Mọi hoạt động đều được ghi hình để xem lại và rút kinh nghiệm nên tôi có thể biết mình và mọi người xung quanh giao tiếp ra sao. Một chàng trai người Pháp rất cao, khi làm quen với một cô gái Việt thấp hơn lại đứng quá gần để xảy ra tình cảnh kẻ cúi, người ngước thật nực cười (vấn đề về khoảng cách). Có người khi nói chuyện làm quen lại cứ khoanh tay trước ngực hoặc ôm khư khư cái túi…

Nhờ đi học, tôi mới biết muốn trình bày thành công vấn đề chỉ có 7% là yếu tố ngôn từ, còn lại 93% thuộc về yếu tố phi ngôn từ (trong đó 38% là giọng nói và 55% là hình ảnh).

"Yếu tố phi ngôn từ ư! Nó là những yếu tố nào? Chắc gì tôi có…" - Một bác tầm tuổi trung niên thốt lên, cả lớp cười ồ. Đến khi được giảng về 10 loại phi ngôn từ, thì tất cả mới gật gù, thật đơn giản mà không dễ gì nhận ra:

- Trang phục: Trang phục của người nói ảnh hưởng nhiều đến cảm nhận ban đầu của người nghe. Muốn người ta “say nghe” mình nói thì diễn giả nên ăn mặc lịch sự hơn thính giả một bậc.

- Giọng nói: Chuẩn, truyền cảm, liền mạch, có điểm nhấn, điểm dừng, cần chú ý cao độ, trường độ khi nhấn mạnh.

- Dáng điệu: Diễn giả cần đứng thẳng và dồn trọng tâm ở thắt lưng.

- Mặt: Nói gì thì nói nhưng mặt người nói phải tươi! Nhưng thế nào là mặt tươi, đố ai định nghĩa được? Câu hỏi của thầy làm cả lớp phì cười.

- Mắt: Khi nói, mắt diễn giả phải thật truyền cảm, cố gắng nhìn khắp hội trường (đảo theo hình chữ M -> W), dừng mắt mỗi khi dừng ý và "nhìn vào trán cho đỡ chán". Với người chưa quen thuyết trình, nếu nhìn vào mắt mọi người nghe dễ có cảm giác mình bị ảnh hưởng dây truyền và mất tự tin. Ví dụ: Nếu nhìn vào mắt người đang khó chịu -> sẽ cảm thấy mất bình tĩnh vì có lẽ mình nói dở quá. Nếu nhìn vào mắt người đang rất chăm chú -> ta sẽ chỉ thích tâm sự riêng với người đó mà quên mất hội trường…

- Tay: Khi nói đôi tay diễn giả nên thả lỏng, hai bàn tay luôn luôn chỉ nằm trong khoảng từ thắt lưng đến cằm. Hai bàn tay nên úp vào nhau hay nắm hơi hờ lấy nhau. Khi vung tay nên nắm khít ngón, vung từ "trong ra, dưới lên". Tuyệt đối không khoanh tay, để tay sau lưng, nắm tay vào nhau để dưới thắt lưng, đừng chỉ ngón tay vào thính giả.

- Khoảng cách: Diễn giả đứng gần hay xa thì tùy nhưng đứng sao cho phù hợp để cả hai phía đều có thể quan sát nhau được rõ nhất.

- Mùi: Tốt hơn hết là diễn giả không nên tạo ra cảm giác mùi “hơi đặc biệt” với thính giả.

- Va chạm: Nếu có điều kiện bắt tay thính giả thì diễn giả nên nắm vừa phải, tạo ra cảm giác gần gũi, ấm áp nhưng không quá vồ vập.

- Di chuyển: Nói gắn liền với đi, nhưng cần di chuyển hợp lý, hãy dừng ý mỗi lần dừng chân. Chú ý "7 bước kỳ diệu", nghĩa là thông thường 7 bước trước khi lên đến nơi trình bày và sau khi rời vị trí là thời gian khán giả vẫn còn quan sát di chuyển của diễn giả. Là người tự tin và kinh nghiệm, bạn hãy bước đi tự tin đàng hoàng, thoải mái ít nhất là khi người ta vẫn còn nhìn bạn. Thật tiếc cho những người vừa nói xong là cúi đầu chạy thẳng một mạch về chỗ.

* Buổi thứ hai:

Cả lớp được tiếp cận với “Thủ thuật khích lệ hội trường” với những kỹ năng thật đơn giản nhưng cũng không dễ thực hiện:

Xin một tràng vỗ tay của khán giả (dĩ nhiên diễn giả cũng vỗ tay cùng) để tự trấn an, kêu gọi sự ủng hộ, tập trung chú ý của khán giả (họ sẽ không bị buồn ngủ).

Thỉnh thoảng diễn giả đặt vài câu hỏi dễ trả lời nhưng phải hay để không khí vui vẻ và sôi nổi. Đừng đưa câu hỏi khó quá để tránh bị thính giả cho là: “Đặt câu hỏi để chứng tỏ thính giả ngu”. Khi mời trả lời, diễn giả nên mời người chú ý lắng nghe và đang “mắt chớp chớp, mồm đớp đớp” muốn trả lời, mà nếu chỉ đúng chân gỗ là tuyệt nhất.

Diễn giả nên đến sớm, ở lại trong giờ giải lao để tranh thủ làm quen trước với thính giả, biết được họ tên, nghề nghiệp của một số người để khi diễn thuyết sẽ đưa vào cho sinh động.

Phần thực hành đánh giá khả năng của mỗi người sau khi diễn thuyết thử mới thực thú vị. Khen thật khó mà chê thì lại dễ vô cùng. Nếu bạn có 5 cách khen thì chắc tôi cũng có tới 50 cách để chê. Mặc dù chuyện chê nhau là điều cấm kị trong lớp (chê bừa là bị phạt 5000 đồng như chơi), nhưng tôi và một số thành viên thỉnh thoảng vẫn tình nguyện vi phạm trong một số trường hợp “không cười không được”, chẳng hạn: Có anh lên trình bày nhất định không chịu nhìn khán giả lại cứ hướng ngược gọng kính lên "kính thưa ông trần nhà", cúi gằm mặt xuống "kính gửi bà sàn lớp". Lại có cô mặc dù đã được hướng dẫn cách viết bảng (luôn nghiêng 90 độ để nhìn thính giả) vậy mà vẫn nhất định đẩy mọi người vào tình huống xem lưng speaker…

* Buổi thứ tiếp theo…: Lớp học bắt đầu với bài tập đóng đinh thể hiện cấu trúc bài thuyết trình với: Mở bài (mũi đinh), thân bài (thân đinh), kết luận (mũ đinh). Cũng giống như bài văn, muốn thành công để gắn kết được diễn giả và thính giả thì bài trình bày cần đầy đủ cả 3 phần. Phần “thân đinh” nên được chia thành nhiều ý nhỏ và rõ ràng. Bài tập đó cho thấy, nếu không có mũi đinh sẽ không thể đóng được còn nếu không có mũ đinh, thì sau bài nói sẽ không còn đọng gì trong đầu thính giả. Phần mở bài và kết luận nên có những tình tiết hấp dẫn, gây chú ý vì đó là yếu tố dễ đóng đinh vào trí nhớ người ta nhất. Và cuối cùng là chữ Tâm, dù trình bày về vấn đề gì thì diễn giả cũng phải hướng đến người nghe bằng chữ Tâm, cả khi thuyết trình hay khi nói chuyện đều như vậy.

Những buổi học thú vị ở Trung tâmTâm Việt trôi qua thật nhanh. Chúng tôi thấy mình tự tin hơn thật nhiều.Những bài học bổ ích, những tràng cười thoải mái và cả những thầy giáo điển trai, những cô giáo xinh đẹp, trẻ trung; chính họ đã khơi dậy ở chúng tôi những khả năng tiềm tàng mà "nếu không đi học nói thì làm sao khám phá để phát huy được” (lời một học viên người Pháp). Cảm ơn Tâm Việt, cảm ơn khóa học đã cho chúng tôi những giờ phút được thể hiện mình khó quên.

 Trương Huyền - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 176, tháng 10/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :