Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Người trẻ nhưng ý thức đừng… trẻ
1. Khán giả đang tập trung theo dõi bộ phim tài liệu trong hội trường. Một nhóm nam sinh viên từ đâu ùa vào, leo thẳng lên hàng ghế đầu, nói cười ồn ã. Mọi người xung quanh cau mày khó chịu. Đạo diễn phim vì tế nhị nên chỉ quay lại nhìn, không nói gì.

Nhóm này không vì thế mà yên lặng, không xem phim và tiếp tục… "mở máy". Đến khi ai đó không chịu nổi, gắt lớn: “Không xem nữa thì về cho người khác xem!", nhóm này đứng lên lê dép xoèn xoẹt ra khỏi hội trường, để lại những cái nhìn theo khó chịu của người xem.

2. Trong giờ thuyết giảng của một vị tiến sĩ đáng kính ở trường đại học, người nghe có thể ra vào tự do. Buổi nói chuyện diễn ra một lúc bỗng thấy những sinh viên phía dưới lục tục xách cặp đứng lên. Ra về nhẹ nhàng thì không có chuyện gì, đằng này mặc kệ tiếng ghế gấp lạch cạch, những cô cậu sinh viên ra khỏi giảng đường còn không quên gây ra tiếng ồn làm vị tiến sĩ mất tập trung giảng bài. Thầy cô ngồi dưới không khỏi ái ngại với vị khách mời vì những sinh viên của mình.

Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: Bùi Tuấn

 

3. Buổi giao lưu về đề tài chất độc da cam đang diễn ra. Một bộ phim minh họa được chiếu trê
n máy chiếu. Người xem vô cùng xúc động với những hình ảnh thương tâm của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nhưng ở hàng ghế khán giả vẫn nghe thấy những tiếng tách tách cắn hạt dưa. Những khoảng lặng của bộ phim, khi người thuyết minh ngắt đoạn để những hình ảnh thương tâm kia lên tiếng, tiếng tách tách nổi lên càng rõ. Nhiều khán giả trong nhà văn hoá khó chịu vì thứ âm thanh này và đưa mắt tìm xung quanh, nhưng dường như mấy nữ sinh không biết đến điều đó, tiếp tục “bài ca hạt dưa” cho đỡ… buồn mồm.

4. Tại một lễ tuyên dương cán bộ, sinh viên, sau diễn văn khai mạc, hội trường đông nghẹt người. Nhưng rồi 10 phút, 20 phút… 1 tiếng trôi qua, các tập thể và cá nhân lên nhận phần thưởng rồi lần lượt "rút quân" dù chương trình của buổi lễ vẫn còn tiếp tục. Lác đác chỗ này, chỗ kia còn một nhóm cán bộ, sinh viên. Đôi chỗ, có nhóm chụm đầu vào nhau chuyện trò, cười rúc rích. Một vài người ở hàng ghế đại biểu nhìn xuống ái ngại… Phải chăng ý thức của giới trẻ quá kém? Phải chăng cán bộ thì bận việc, sinh viên còn bận đến lớp - bận thi? Rất có thể, song ngẫm lại… với một lễ tuyên dương, một buổi sinh hoạt gồm toàn cán bộ, sinh viên ưu tú... có nên chăng?

5. Khu giảng đường, hiệu bộ của các trường đại học, cao đẳng vốn là những nơi rất thoáng mát, sạch sẽ. Mới bước chân vào bạn sẽ cảm nhận thấy môi trường học thuật cũng như đặc điểm riêng của từng trường. Chiều buông xuống, có khi mới là 3 - 4 giờ chiều, ở những khu giảng đường, thậm chí là cả ở một số khu hiệu bộ - bạn sẽ nhìn thấy những đôi nam thanh, nữ tú ngồi tình tự bên nhau tình tứ như "xung quanh chẳng còn ai" vậy. Đôi thì dựng xe máy, khoác tay nhau ngồi trên yên xe máy âu yếm. Đôi thì ngồi dựa vào gốc cây, hay gục đầu vào lòng nhau, hoặc ngồi nặn trứng cá cho nhau… tất cả cứ tự nhiên như ngoài công viên ấy… Tôi biết, ở một số chỗ như vậy, bảo vệ của các trường đại học, cao đẳng đã phải đi dẹp những cảnh đó, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy… Có lẽ là đó là vấn đề ý thức và sự tự giác của mỗi người chăng? Còn bạn, bạn nghĩ sao?

*

Trên đây chỉ là những câu chuyện nhỏ những lại không hề nhỏ mà chúng tôi trực tiếp được chứng kiến. Kể để nhắc nhau, để thấy rằng người trẻ học kiến thức ở trường, nhưng cũng đừng quên học ý thức, học phép lịch sự. Người trẻ đấy, nhưng ý thức đừng… trẻ!

 Thu Trang - Thanh Bình - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 170, tháng 4/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :