Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Cô tân sinh viên mang nỗi đau da cam
Di chứng chất độc hoá học Đioxin đã khiến em trở thành một người tật nguyền, chân tay co quắp, luôn bị bệnh tật hành hạ. Suốt 7 năm vật lộn cùng nỗi đau da cam, em đã không gục ngã. Hôm nay, cô gái nhỏ bé ấy đã là tân sinh viên Khoa Văn học và Hán Nôm - Trường ĐHKHXH&NV...

1. Cô gái mang nỗi đau da cam

Tôi chú ý đến Hương bởi ánh mắt buồn và luôn tỏ ra ngập ngừng, lo sợ của em. Ngày nhập học vào K50 - Khoa Văn học và Hán Nôm, cô bé nhỏ choắt chỉ cao 1m2 ấy loay hoay mãi trong đám đông tân sinh viên mà không thể chen chân vào làm thủ tục được. Khi biết tôi có ý định viết về em, Hương cười buồn: “Em thì có gì đáng để viết đâu hả chị?”. Cô bạn cùng phòng ngồi bên cạnh nói nhỏ với tôi: "Chị đừng hỏi bạn ấy nhiều quá. Bạn ấy hay tủi thân lắm!".

18 tuổi mà trông Hương như một cô bé mới lên 5. Chỉ cao 1m2, nặng 27kg. Do bị ảnh hưởng của chất độc hoá học màu da cam từ bố nên em là một người không bình thường so với bạn bè cùng trang lứa. Bố Hương tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên những năm 1965 - 1973. 8 năm lăn lộn trong bom đạn quân thù đã khiến ông bị nhiễm phải thứ chất độc Đioxin quái ác của đế quốc Mỹ. Những năm học cấp 1, Hương hoàn toàn bình thường nhưng đến năm lớp 6, sự phát triển của em bắt đầu chững lại. Từ đó đến khi 18 tuổi, em hầu như không lớn thêm được chút nào. Hai chân ngắn, bàn chân co quắp, bước đi tập tễnh. Hầu như năm nào em cũng phải vào viện 3 đến 4 lần.

11 tuổi, chân Hương tự nhiên teo nhỏ lại, phần giữa khuỳnh ra, các ngón chân phát triển không đều, co quắp, ngón này đan vào ngón kia. Bởi thế mà mọi sinh hoạt, đi lại của em hết sức khó khăn. Hàng ngày, Hương được các bạn cùng xóm thay phiên nhau chở đến trường. Hương ngập ngừng khi kể với tôi những nỗi đau mà em phải trải qua: “Có những hôm trời mưa, đường lầy lội, em và đứa bạn đèo em bị ngã liên tục, ướt như chuột lột từ đầu tới chân, người thì lấm lem bùn đất. Lúc ấy, em đau lắm nhưng vẫn phải cố nén để không khóc. Bạn đã vất vả vì mình chẳng nhẽ bây giờ mình phải bắt bạn dỗ dành. Cũng có nhiều người đôi lúc vô ý hỏi em "Mày cao được 1m không Hương? Sao mày lùn thế?". Em chỉ cười “Tao chỉ được 50 phân thôi”. Nói vậy chứ, những khi như thế em thấy tủi thân vô cùng..."

Di chứng chất độc da cam trên cơ thể Hương không chỉ là một thân hình còm cõi, tật nguyền mà nó còn hành hạ em bởi những cơn đau đầu, tức ngực kéo dài hàng tháng. Mỗi khi trái gió trở trời, mẹ phải thức suốt đêm để trông em khi em lên cơn co giật. Những ngày ôn thi đại học với cô bé xứ Nghệ này cũng hết sức khó khăn. “Ngồi không được, đứng cũng không được, em chỉ còn biết bò ra nhà để học chị ạ! Chân đau liên tục, cứ như có kim châm trong xương ấy. Buốt hết cả người. Trước hôm thi 2 tuần, em ốm lên, ốm xuống. Cứ tưởng vào phòng thi không làm nổi bài. May mà mọi thứ rồi cũng qua" - Hương nói, đôi mắt vẫn buồn thăm thẳm.

2. Vượt vũ môn… vào giảng đường đại học

Nhà Hương có 5 anh chị em, bố mẹ đều đã ngoài 60. Trừ anh trai cả đi bộ đội ở Huế, các anh chị em đều bỏ dở việc học hành vì cuộc sống gia đình quá khó khăn. Tôi gặp ông Cũng - bố của Hương trong Ký túc xá Mễ Trì khi ông đưa con gái mình lên nhập học. Một người đàn ông 63 tuổi, gầy gò, khắc khổ. Tưởng chừng như những vất vả, lo toan đã vắt kiệt sức lực của người lính cụ Hồ một thời từng vào sinh ra tử ấy. Ông lo lắng: "Tiền bạc dù túng thiếu chúng tôi cũng xoay sở cho con được học. Nhưng với tình trạng sức khoẻ của Hương, chúng tôi lo lắm. Sống xa gia đình, lúc đau ốm, lấy ai chăm sóc”.

Trước đó, Hương đã định không thi đại học. Nhưng với lực học khá lại được thầy cô, bạn bè, gia đình động viên nên em quyết định nộp hồ sơ vào Khoa Văn học và Hán Nôm trường ĐHKHXH&NV. “Khi chọn trường, em mất ngủ mấy đêm. Mình tàn tật, yếu ớt thế này, vào trường nào mới được. Với lại, em sợ nếu đậu, em sẽ sống ra sao khi xa nhà" - em tâm sự. Ngày biết tin Hương đỗ đại học, cả nhà em từ bố mẹ đến các anh chị đều ôm nhau khóc nức nở. Họ khóc vì vui mừng, khóc vì xót xa.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ốm đau, bệnh tật… đó là những rào cản mà không phải cô học trò nào cũng có thể vượt qua được. "Vũ môn" của Hương không chỉ là những lần đến lớp trầy trượt trong mưa hay khi vật lộn cùng những cơn đau tê người… mà còn là những mặc cảm về thân phận, những nỗi sợ mơ hồ đã không ít lần làm chùn bước chân em. Hồi cấp II, có lần Hương định nghỉ học vì đến lớp bị bạn bè trêu chọc. Khi tôi hỏi em sợ nhất cái gì, em đã oà lên khóc: "Em sợ đủ thứ, sợ hình dáng xấu xí của mình, sợ ánh mắt tò mò và hiếu kỳ của những người xung quanh, sợ bố mẹ vất vả nhiều hơn khi mình bước chân vào đại học… Đã có lúc, em tưởng mình không còn đủ tự tin để tới trường nữa. Sau này lớn hơn một chút, bạn bè em đã bắt đầu hiểu và thông cảm với em nhiều hơn. Em thấy mình cũng đỡ cô đơn”.

Tôi ra về mang theo nỗi ám ảnh trong câu chuyện Hương vừa kể cho tôi nghe. Đó là chuyện một chị cùng xã, cũng bị nhiễm chất độc hoá học màu da cam, cao hơn Hương khoảng 10 phân. Chị tốt nghiệp loại giỏi - Đại học Thuỷ sản. Khi gửi hồ sơ, giấy tờ đến cơ quan xin việc - được nhận liền. Nhưng khi gặp để phỏng vấn, người ta đã loại chị ra khỏi danh sách vì hình dáng tật nguyền của chị. Rồi Hương thở dài xót xa: "Biết đâu sau này em cũng thế".

Để đến được giảng đường trường đại học, cô bé xứ Nghệ sớm chịu nhiều thiệt thòi ấy đã phải cố gắng bằng tất cả nghị lực của mình. Dẫu biết rằng đường đời phía trước còn không ít gian nan nhưng nhìn vào mắt em - đôi mắt luôn mở to, đầy quyết tâm, tôi hiểu cô gái nhỏ bé đó không dễ dàng gục ngã. Mong cho em có đủ bản lĩnh và tự tin để đi đến đích trên con đường mình đã chọn.

 Đinh Nha Trang - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 176, tháng 10/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :