Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Ai kia ống thấp ống cao
Giới trẻ là giới rất coi trọng việc ăn mặc, họ có “gu” ăn mặc lịch sự, thậm chí còn mốt nọ mốt kia. Tuy nhiên, trên giảng đường, nơi công cộng… vẫn gặp đâu đó những chiếc quần ống thấp ống cao.

Trên giảng đường…

Trần Mừng đang học trường ĐH Bách khoa. Dễ nhận ra cậu trên giảng đường hàng trăm người bởi một bộ quần áo rất đặc biệt. Cái áo sơ mi nhìn xa không biết nó là màu trắng hay một màu gì đó tương tự với màu trắng, có lẽ màu vàng của mỡ gà thì đúng hơn. Lại gần cậu mới thấy khiếp. Chiếc áo nhăn nhúm như chưa bao giờ được giặt, điểm vào đó là những vết bẩn do cậu cọ vào đâu đó. Chiếc cổ áo dày đến 5, 7 tầng ghét, đến nỗi một cậu bạn khác có sáng kiến là cài khuy cổ áo cho Trần Mừng để người khác đỡ nhìn thấy. Móng tay, móng chân của cậu chứa đầy một thứ bột đen bí ẩn. Lấy tay nhấc cặp kính dày cộp một cách trí thức, Trần Mừng bảo bạn bè thường chê cậu... "kém tắm". Có khi cả tuần cậu không biết đến khái niệm tắm là gì. Niềm đam mê số một của cậu là vi tính, và nói theo ngôn ngữ của cậu thì trong cái CPU của cậu không được cài đặt chương trình tắm. Việc đấy quá tốn thời gian. Hiện giờ cậu đang mải viết một chương trình phần mềm vi tính nên cái việc kia lại càng bị sao nhãng tệ.

Một lần có việc sang trường Cao đẳng Giao thông, tôi bắt gặp một nam sinh viên ăn mặc rất kỳ dị. áo phông chim cò lùng thùng gần đến đầu gối. Quần vải. Đôi giày trước đây là màu đen còn bây giờ là một màu khó diễn tả bởi nó dính đầy bùn đất. Đã vậy cậu còn có một thân hình cò hương, trông như chiếc sào di động, khiến mỗi bước cậu đi là cả đống người ngó theo.

Hoàng Chiến Thắng là một sinh viên theo khối A nhưng cậu lại có tâm hồn văn chương. Thần tượng của cậu là những nhà văn nhà thơ. Mỗi khi đọc được những giai thoại của những nhà văn, nhà thơ, đại loại là xắn quần, đi dép lê, hút thuốc lào là cậu sướng đến mê người. Ước mơ của cậu là trở thành một công nhân lành nghề kiêm… một nhà thơ. Cậu cũng đã tập tành sáng tác vài bài thơ nhưng chưa bao giờ được đăng. Không thể hiện tâm hồn nhà thơ của mình bằng con đường… thơ được cậu thể hiện bằng khoản… lôi thôi. Mỗi bước cậu đi là bao nhiêu nụ cười sau lưng.

…đến nơi công cộng

Trên tuyến xe buýt hôm ấy, tôi đứng cạnh một anh chàng cao như một cây sào (cậu ta cao hơn tôi một cái đầu). Mặc dù đã có máy thông gió nhưng tôi vẫn không sao xua đi được cái mùi rất đặc trưng của những người… ngại tắm gội. Bỗng cậu ta đưa tay lên đầu làm… vài đường cơ bản. Tôi ngước lên nhìn, và may mắn được chứng kiến cảnh… tuyết (gàu) bay giữa mùa hè. Đã vậy cậu còn đưa tay vòng qua gáy làm động tác như là người đang… kỳ ghét. Sau một hồi tỷ mẩn làm cái công việc kỳ quặc ấy, cậu ta vứt xuống sàn xe buýt một cục gì đen đen bí ẩn. Quá kinh hãi, tôi vội lùi xa. Đến lúc này tôi mới được chứng kiến toàn cảnh: cậu ta mặc chiếc quần bò bạc phếch tháng năm, gấu đã rách tua rua, và được xắn cao đến tận đầu gối, để lộ đôi cẳng chân khẳng khiu và đầy lông. Cậu ta đi chiếc dép tổ ong, màu xanh (đáng lẽ thế) nhưng bây giờ đã chuyển sang màu của bụi đường cùng với vài vết sơn xanh. Hỏi ra mới biết cậu ta đang là công nhân làm hàn xì ở một xí nghiệp. Cậu lý luận rằng ai biết mình là ai mà mặc đẹp, vả lại mặc như thế này làm công việc đầy bụi bặm là hàn xì mới phù hợp. Nhà cậu ta trọ cách nơi làm hai cây số. Mỗi khi đi làm về, mệt quá, cậu chỉ biết vứt cái quần bò dã chiến vào bất cứ chỗ nào trong nhà rồi ngủ như chết. Sáng hôm sau lại lồm cồm tìm khắp nhà rồi… mặc vào đi làm tiếp.

Thuý Hằng là bạn của một người bạn tôi. Đã bao lần bạn bè nhắc "Con gái phải ý tứ" nhưng Hằng chẳng mấy thay đổi. Nhiều khi chiếc áo sơ mi cô mặc nhăn nhúm mà cô cũng không chịu là để mặc cho tề chỉnh. Chiếc giày thể thao thì chẳng bao giờ thèm đánh cho nó sáng sủa. Chiếc quần vải đen nhiều khi được cô xắn lên tận trên mắt cá. Có người kể có lần Hằng còn cài nhầm cả cúc áo khi ra đường khiến thiên hạ được một phen… ngơ ngác. Bố mẹ Hằng đều làm nghề buôn đồng nát, nhà nghèo, bố mẹ lại thất học nên từ bé Hằng không được dạy cho chu đáo những gì thuộc về nét duyên dáng, ý tứ của con gái. Cô cứ lớn lên hồn nhiên như thế. Không biết bao giờ Hằng sẽ trở thành một… thiếu nữ ăn mặc lịch sự?

Thay lời kết

Một giảng viên của Trường ĐHBKHN đã nói rằng, ông “không tin những người ăn mặc lôi thôi có thể làm được một cái gì đó nên hồn". Đến chính cơ thể mình còn không chăm sóc được, đến chính mình còn không tôn trọng bản thân, thì còn lo lắng được đến ai nữa. ý kiến này có vẻ hơi cực đoan nhưng không phải không có lý. Những người mặc quần ống thấp ống cao kia có biết rằng, mình ăn mặc lôi thôi không chỉ đơn thuần là xấu riêng mình mà còn ảnh hưởng cả đến những người xung quanh, vì mỗi con người là một cá thể cấu thành nên xã hội. Ăn mặc lịch sự gọn gàng (chứ chưa cần là mốt nọ mốt kia) cũng là một sự biểu hiện của sự trân trọng những người xung quanh và cả tôn trọng mình nữa. Nó phần nào đó thể hiện văn hoá của một xã hội - văn hoá ăn mặc.

 Đoàn Tất Thảo - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :