Chân dung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Chân dung  >  
Liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp
(Nhân dân) Là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, những năm qua, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội đã thực hiện khá thành công mô hình hợp tác trong đào tạo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Tuy được coi là mô hình cần nhân rộng, nhưng việc tổ chức triển khai, hoạt động còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được khơi thông.

Khi cả ba cùng vào cuộc

Liên thông, liên kết và hợp tác được coi là đặc điểm cơ bản của ÐHQG Hà Nội. Liên thông, liên kết không những phát huy được tính chuyên môn hóa theo thế mạnh độc đáo của từng đơn vị ở cơ sở đào tạo lớn nhất nước này mà còn tạo điều kiện sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung; tích hợp được sự giao thoa trí tuệ giữa liên ngành. Không những thế, ÐHQG Hà Nội còn triển khai khá hiệu quả hợp tác đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp để tổ chức đào tạo và nghiên cứu một số lĩnh vực công nghệ cao và khoa học liên ngành nhằm gắn viện với trường, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học cũng như bảo đảm kết hợp giữa viện nghiên cứu và trường đại học. GS, TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ÐHQG Hà Nội cho biết: Từ lâu, ÐHQG Hà Nội coi sự hợp tác trường - viện nghiên cứu - doanh nghiệp như là một đặc trưng của mô hình đại học nghiên cứu. Ðó vừa là phương thức, vừa là mục tiêu hướng tới sự phát triển của từng đối tác và cả sự phát triển chung của ba bên. Mỗi khi cả ba cùng vào cuộc, triển khai một cách hiệu quả, thiết thực thì vai trò của một đại học nghiên cứu như ÐHQG Hà Nội mới thật sự phát huy tác dụng.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy đã có nhiều mô hình hợp tác nổi bật trong việc liên kết trường và các viện, các trung tâm nghiên cứu khác trong việc đào tạo đại học theo dạng 3+1 hoặc 3,5+0,5 (tức một năm học chuyên ngành, làm khóa luận tốt nghiệp hoặc nửa năm làm khóa luận tốt nghiệp ở viện, ở trung tâm). Mô hình đào tạo này triển khai tốt giữa Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển với Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; giữa Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Môi trường với Khoa Môi trường (Trường đại học Khoa học Tự nhiên); giữa bộ môn Vật lý chất rắn, bộ môn Vật lý nhiệt độ thấp với Trung tâm Khoa học vật liệu (Khoa Vật lý, Trường đại học Khoa học Tự nhiên).

Ðáng chú ý, lần đầu tiên Trường đại học Công nghệ của ÐHQG Hà Nội cùng Phòng thí nghiệm công nghệ na-nô của ÐHQG TP Hồ Chí Minh đào tạo thạc sĩ chuyên ngành vật liệu và linh kiện na- nô một cách hiệu quả. Mới nhất, Trường đại học Công nghệ (ÐHQG Hà Nội) ký văn bản hợp tác với Trung tâm nghiên cứu và đào tạo về thiết kế vi mạch của ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh triển khai, ứng dụng một số công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thiết kế vi mạch có độ tích hợp cao. Ngoài ra, từ năm 2005 đến nay, ÐHQG Hà Nội ký hợp tác với nhiều bộ, ngành, tập đoàn lớn như Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Khoa học-Công nghệ Quân sự (Bộ Quốc phòng), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Hội doanh nghiệp Việt Nam đào tạo, nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đơn vị có nhu cầu. Các trường đại học thành viên của ÐHQG Hà Nội đã ký nhiều văn bản hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với hàng trăm đơn vị doanh nghiệp trong cả nước. GS, TS Nguyễn Hữu Ðức, Phó Giám đốc ÐHQG Hà Nội cho biết: Trong năm năm qua, riêng Trường đại học Công nghệ đã huy động hàng trăm nhà khoa học trình độ cao của các viện nghiên cứu làm giảng viên kiêm nhiệm, phối hợp tổ chức đào tạo các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến.

Ngoài ra, từ sự hợp tác này còn tạo điều kiện cho các nhà khoa học triển khai năm đề tài KH-CN cấp Nhà nước, ba đề tài hợp tác trường - viện; nổi bật là Ðề tài Nghiên cứu chế tạo hệ thống dẫn đường quán tính phục vụ các phương tiện bay có điều khiển phối hợp Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quân sự (Bộ Quốc phòng) đoạt giải ba Cuộc thi Nhân tài Ðất Việt 2008. Các nghiên cứu về khu vực học, môi trường, khí tượng - thủy văn; các nghiên cứu về phòng, chống tai biến và biến đổi khí hậu... đã thu hút sự tham gia tích cực của nhiều đơn vị trong và ngoài ÐHQG Hà Nội.

Mới đây, ở ÐHQG Hà Nội xuất hiện mô hình khoa, bộ môn, phòng thí nghiệm phối thuộc. Với mô hình này, Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa của Trường đại học Công nghệ là đơn vị đào tạo phối thuộc của Viện Cơ học; Bộ môn Công nghệ Hàng không - Vũ trụ là bộ môn phối thuộc Viện Khoa học và Công nghệ vũ trụ. Tương ứng, một số phòng thí nghiệm hiện đại từ các viện là Phòng thí nghiệm phối thuộc của Trường đại học Công nghệ, như các Phòng thí nghiệm Cơ học kỹ thuật biển, Chẩn đoán kỹ thuật phối thuộc với Viện Cơ học; Ðiều khiển máy tính, Các công nghệ đặc biệt, Ðiều khiển hệ thống (Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp). Trường đại học Công nghệ chủ trương sử dụng lâu dài các phòng thí nghiệm phối thuộc có trang thiết bị hiện đại để hợp tác đào tạo chất lượng cao các chuyên ngành, lĩnh vực được coi là thế mạnh và truyền thống của viện và tập trung vào việc xây dựng các phòng thí nghiệm, bộ môn tương ứng với các chuyên ngành mới, không chồng chéo hoặc chưa được đầu tư ở viện. Rõ ràng muốn trường và viện cùng phát triển, rất cần sự hỗ trợ cho nhau; sự hợp tác, liên thông và liên kết lâu dài.

Ðể mô hình tiếp tục phát triển

Ai cũng biết, mô hình hợp tác, liên kết giữa trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp là một trong những mô hình tốt, cần nhân rộng và sớm hiện thực hóa. Nhưng để hiệu quả hơn cần rất nhiều thời gian, công sức. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, người đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác tay ba này cho rằng: Nếu thiếu ý chí, thiếu quyết tâm, nhất là thiếu sự nhiệt huyết của một nhà khoa học thì thật khó thành công. Nhưng quan trọng hơn cả là thiếu cơ chế đồng bộ và linh hoạt thì mô hình tay ba này khó có chỗ đứng lâu bền. Thực tế ở ÐHQG Hà Nội cho thấy, sự hợp tác bộ ba đã phát huy một cách linh hoạt tiềm năng, sức mạnh của từng bộ phận cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Cũng theo Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, không phải mới đây, mà ý tưởng này đã được nung nấu và thực hiện từ lâu giữa hai cơ quan đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn là ÐHQG Hà Nội và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cụ thể là giữa Trường đại học Công nghệ (ÐHQG Hà Nội) và Viện Cơ học, Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Từ những kết quả triển khai ban đầu đến nay, vẫn khẳng định đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp tránh được sự lãng phí chất xám và huy động được nguồn lực cao nhất cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Nhưng kiểu mô hình liên kết này hiện chưa được mở rộng ở nhiều nơi. Ðáng chú ý, hiện thực hóa mô hình này ra sao, theo cách nào và đâu được coi là giải pháp cho sự mở rộng và phát triển? GS Nguyễn Tiến Khiêm, Chủ nhiệm Khoa Cơ học và Tự động hóa (đơn vị phối thuộc giữa Trường đại học Công nghệ (ÐHQG Hà Nội) và Viện Cơ học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: Thời gian qua, hợp tác giữa hai bên (viện nghiên cứu và trường đại học) là khá tốt. Phần lớn giảng viên là cán bộ nghiên cứu của Viện Cơ học sang giảng dạy, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu. Hiện khóa học đầu về lĩnh vực cơ học và tự động hóa đã ra trường và phần lớn sinh viên đạt kết quả cao. Tuy nhiên, để mô hình này tồn tại và phát triển rất cần có quy chế cụ thể, và cao hơn nữa cũng cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp để ba bên vừa phát huy thiên chức, thế mạnh của mình vừa hòa nhập cùng phát triển.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn triển khai tốt mô hình này cần được sự bảo đảm của Nhà nước để tránh rủi ro có thể xảy ra. Mặt khác, các đơn vị hợp tác, liên kết cần được bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; được bảo đảm và nâng cao lợi ích cả ba bên và thông qua đó bảo đảm lợi ích xã hội, tạo thêm nguồn lực cho sự liên kết hợp tác cũng như bảo đảm sự lưu thông trong khi chia sẻ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật. Theo PGS, TS Hoàng Dũng, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ (ÐHQG TP Hồ Chí Minh) thì, cơ chế hoạt động cho hai ÐHQG duy nhất của cả nước là ÐHQG Hà Nội và ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh hiện chưa thật sự thông thoáng. Hai ÐHQG này phải được ưu tiên về cơ chế, chính sách như các khu công nghệ cao.

Mô hình hợp tác, liên kết giữa trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp đang dần được khẳng định, có một số đơn vị triển khai và hoạt động khá hiệu quả, nhất là ở hai ÐHQG, các đại học vùng và một số trường đại học, viện nghiên cứu lớn. Nhưng để mô hình hợp tác ba bên này mở rộng và phát triển hơn; phía trước còn nhiều vấn đề mà các ngành, các cấp có liên quan cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết.

http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=39&sub=127&article=150843

>>> Các bài liên quan:

 

 

 PHAN HUY HIỀN - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :