TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 10:09:43 Ngày 18/11/2022 GMT+7
TS Chu Đình Tới: người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trong nghiên cứu khoa học
TS. Chu Đình Tới, Trưởng Khoa Các khoa học ứng dụng, Giám đốc Trung tâm Y sinh và Sức khoẻ Cộng đồng, Trường Quốc tế, ĐHQGHN là một trong 35 nhà khoa học Việt Nam có mặt trong danh sách "100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2022”. Là một “gương mặt mới” nhưng TS. Chu Đình Tới đã có thứ hạng 66.906 trong số các nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng nhất thế giới năm nay. TS. Tới cũng là một gương mặt luôn đồng hành cùng thế hệ trẻ trên con đường khoa học.

Các nhà khoa học trong danh sách "100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng" được đánh giá dựa trên nhiều chỉ số, trong đó có tổng số trích dẫn nghiên cứu. Danh sách xếp hạng được đưa ra bởi nhóm nhà khoa học của GS. John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ), dựa trên căn cứ khai thác cơ sở dữ liệu Scopus. Bảng xếp hạng do Nhà xuất bản Elsevier (chủ cơ sở dữ liệu Scopus) công bố, chọn ra nhóm các nhà khoa học thuộc top 100 người dẫn đầu, top 10.000 và 100.000 người có bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất (trên tổng số 200.409 nhà khoa học có trong cơ sở dữ liệu).

Là một trong số 4 nhà khoa học của ĐHQGHN nói riêng và 34 nhà khoa học Việt Nam nói chung có mặt trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng trên thế giới, xin TS chia sẻ thêm về tính ứng dụng của những công trình nghiên cứu, bài báo khoa học của anh đối với xã hội?

 Khi biết thông tin mình nằm trong danh sách 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới (còn gọi là top 2% các nhà khoa học có ảnh hưởng) năm 2022, tôi cảm thấy mình may mắn và cũng thấy mình cần nỗ lực hơn. Tôi thấy may mắn vì có nhiều nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam rất xuất sắc, có nhiều đóng góp, nhưng vì tiêu chí nào đó họ chưa có trong danh sách này, còn với tôi – một nhà khoa học trẻ, vẫn đang học làm khoa học, nhưng năm nay lại có tên trong danh sách. Đồng thời, tôi thấy mình cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa không chỉ trong hoạt động giảng dạy, bồi dưỡng nguồn nhân lực mà còn trong nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu trước đây vào thực tiễn.

Tôi và các đồng nghiệp đi theo hướng nghiên cứu về y sinh và sức khoẻ cộng đồng. Những công trình về y sinh từ khi nghiên cứu cho đến khi được chuyển giao và ứng dụng trong cuộc sống thường tốn nhiều thời gian, nguồn lực và tài lực. Trong bối cảnh biến động của chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thời gian qua, tôi cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm Y sinh và Sức khoẻ Cộng đồng đã tiến hành các nghiên cứu về sự sẵn sàng tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam, về sự hiểu biết về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh ở sinh viên, rác thải y tế do Covid-19… Những nghiên cứu của chúng tôi có ý nghĩa tham khảo nhất định cho công tác phòng chống dịch và xử lý hậu quả sau đại dịch.

Xin anh chia sẻ về những định hướng phát triển giảng dạy, nghiên cứu của mình trong tương lai?

Tôi thích, đam mê và nỗ lực hết mình trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy, đó chính là định hướng lâu dài và cũng là những cống hiến tốt nhất mà tôi có thể làm cho xã hội. Từ năm 2011, tôi đã bắt đầu tư vấn, kết nối, trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các bạn sinh viên, học viên cao học ra nước ngoài học thạc sĩ và tiến sĩ bằng học bổng toàn phần. Cùng với đó, tôi đã viết các sách về kỹ năng mềm và định hướng du học như “Hành trang du học”, “Tôi đã đi du học bằng học bổng như thế nào?”… để hỗ trợ được nhiều bạn trẻ bay xa, bay cao hơn nữa trên con đường học tập và nghiên cứu khoa học.

Hiện tại, tôi tập trung vào đào tạo cá thể hoá và nhân tài hoá với việc xây dựng các nhóm nghiên cứu khoa học sinh viên tài năng, tạo nguồn nhân lực chất lượng về y sinh, sức khoẻ, ứng dụng AI trong sức khỏe… Các nhóm nghiên cứu tài năng và tạo nguồn của tôi luôn có khoảng 20 sinh viên và học viên đến từ các trường như Trường Quốc tế - ĐHQGHN, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN, Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Quân y, Học viện Y-Dược học cổ truyền, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Là một nhà khoa học trẻ uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ y sinh và sức khỏe cộng đồng, đạt được rất nhiều thành tựu trong sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy, anh có thể chia sẻ với các bạn trẻ điều gì về kinh nghiệm, bài học để có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra?

Tôi nghĩ mình còn học hỏi và nỗ lực nhiều và còn phải phấn đấu nhiều lắm để trở thành nhà khoa học trẻ uy tín về lĩnh vực Công nghệ y sinh và sức khoẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nghiên cứu, làm việc trong và ngoài nước của mình trong lĩnh vực này, tôi khuyên các bạn trẻ muốn nghiên cứu khoa học hãy kiên trì theo đuổi giấc mơ của mình, hãy học tập và trải nghiệm thật nhiều để tìm cho mình những hướng đi phù hợp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của bản thân – vì không có con đường nào là tối ưu cho tất cả mọi người. Tôi cũng là một trong rất nhiều ví dụ về sự nỗ lực, trải nghiệm và tìm hướng đi cho mình trong nghiên cứu khoa học. Cụ thể, tôi đã tự tìm kiếm và chuẩn bị để ứng cử thành công học bổng đi học thạc sĩ về Miễn dịch ung thư ở Hàn Quốc, rồi tiến sĩ về Y học (Y sinh) ở Liên minh châu Âu (EU) với Giáo sư nổi tiếng người Mỹ Leslie P Kozak, rồi sang Nauy làm việc sau tiến sĩ về Y sinh học phân tử tại Khoa Y - ĐH Oslo (Nauy) theo chương trình  thu hút học giả Marie Curie của EU…

Các cuốn sách về kỹ năng mềm và định hướng du học của TS. Chu Đình Tới

TS. Chu Đình Tới bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Y học (Sinh y) năm 2015 tại Đại học Y Bialstock và Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan dưới sự hướng dẫn của GS người Mỹ nổi tiếng về Y sinh học phân tử Leslie P Kozak. Trước đó, TS. Tới học thạc sĩ Y sinh về Sinh học (Y sinh) tại Đại học Ulsan, Hàn Quốc. Từ năm 2015-2018, TS. Tới làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Y học phân tử Nauy, Khoa Y học, Đại học Oslo (Nauy) và Viện Nghiên cứu Ung thư Nauy, theo chương trình Học giả danh giá Marie Curie về Y học của Liên minh châu Âu.

Năm 2021, TS. Tới được mời làm Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Y, Đại học Quốc gia Thành Công, Đài Loan. Hiện tại, TS. Chu Đình Tới là Trưởng Khoa Các khoa học ứng dụng và là Giám đốc Trung tâm Y sinh và Sức khỏe, Trường Quốc tế, ĐHQGHN.

Thành tích:

– TS. Chu Đình Tới đã công bố hơn 100 bài thuộc cơ sở dữ liệu ISI/Scopus; 12 cuốn sách và chương sách đã xuất bản; hiện là Associate Editor của tạp chí Bioengineered (SCIE, IF 3.269) và Academic Editor của tạp chí PLOS ONE (SCIE, IF3.240);

– Năm 2022, Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế;

  Giải thưởng Đặng Văn Ngữ (Giải cống hiến và hợp tác Khoa học) của Đại học Y Hà Nội năm 2019;

– Năm 2018, TS. Chu Đình Tới nhận giải thưởng Quả cầu Vàng dành cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực Khoa học công nghệ của Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học;

– Huy hiệu Sáng tạo tuổi trẻ 2018 do Trung ương Đoàn trao tặng.

 Hoàng Thủy - Bản tin ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ