TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 11:06:38 Ngày 27/07/2022 GMT+7
Dự án PHER: Chia sẻ - Học hỏi – Kết nối
Ngày thứ 2 của chuỗi hội thảo nằm trong Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER – Partnership for Higher Education Reform) có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo Hoàng Minh Sơn. Sự kiện tập trung bàn luận về vai trò của đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng mô hình tài chính bền vững cho các đại học, chuyển đổi số, quản trị chia sẻ.

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn

 

Sự kiện còn có sự tham gia của đại diện các Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Thái Nguyên… Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đóng góp tham luận “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học từ cách tiếp cận của Đại học Quốc gia Hà Nội”.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn thông tin về bối cảnh đất nước với đòi hỏi bức thiết về chuyển đổi số. Qua các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, có thể thấy được vai trò tiên phong của các đại học vì căn cốt của vấn đề này là việc đào tạo con người có kỹ năng số trong nhiều lĩnh vực.

ĐHQGHN đang xây dựng một kiến trúc Đại học số với nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và hướng đến chuyển đổi số. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin mà là sự thay đổi đồng bộ của cả một hệ thống và cần được nhìn dưới góc nhìn của một hệ sinh thái đồng bộ. Quan điểm của ĐHQGHN là xây dựng các “trục tích hợp” các dữ liệu, quy trình của từng hoạt động như giảng dạy, học tập, quản lý.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh muốn chuyển đổi số cần tiếp cận theo hướng quản trị dữ liệu và xây dựng công nghệ tích hợp cho từng lĩnh vực và phải có sự cập nhật để phục vụ việc xây dựng chính sách. ĐHQGHN tiến hành chuyển đổi số dựa trên các tiêu chí thành công của người học, hiệu quả công việc và chất lượng trong đào tạo nghiên cứu thể hiện qua các bảng xếp hạng quốc tế. Trong đào tạo, công nghệ số phải giúp hướng đến đào tạo cá thể hóa, phải “lấy người học làm trung tâm”, thực sự đáp ứng được nhu cầu xuyên suốt của người dùng trong quá trình học tập. Trong nghiên cứu và chuyển giao tri thức, ĐHQGHN đang xây dựng mô hình sàn giao dịch công nghệ để kết nối nhà nghiên cứu và doanh nghiệp thụ hưởng. Ngoài ra, công nghệ số cũng cần góp phần làm đơn giản hóa công tác quản lý hành chính. Mặc dù vậy không chỉ thay đổi về mặt công nghệ, mà cần có con người vận hành sáng tạo, linh hoạt những công nghệ sẵn có.

 

 

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cũng đặc biệt lưu ý các đại học cần đảm bảo an toàn bảo mật thông tin khi bước vào môi trường số.

 

Cuối cùng, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cho rằng muốn chuyển đổi số thì cần có sự kiên trì, có phương pháp đánh giá, đo lường mức độ chuyển đổi số, làm chủ công nghệ và có đội ngũ công nghệ đắc lực hỗ trợ quá trình chuyển đổi số…

Trước đó, trong phát biểu khai mạc ngày thứ 2 của Hội thảo, Giám đốc ĐHQG Tp.HCM Vũ Hải Quân nhấn mạnh lại việc PHER sẽ là sự bổ trợ thiết yếu để nâng cao năng lực chuyên môn và quản trị cho các đại học trên nền tảng cơ sở hạ tầng mà Dự án “Phát triển các Đại học Việt Nam” cung cấp. Ông cũng mong muốn không chỉ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng được thụ hưởng những giá trị dự án mang lại mà từ đây sẽ lan tỏa ra cả hệ thống giáo dục đại học của đất nước và tạo ra những tác động về mặt chính sách thúc đẩy sự tiến lên của cả hệ thống.

 

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá các từ khóa của Dự án đã chạm được tới những vấn đề mấu chốt của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Để vừa tiết kiệm nguồn lực và vừa tăng chất lượng cũng như số lượng sinh viên được đào tạo thì giáo dục đại học cần xóa nhòa các ranh giới, các giá trị không nên chỉ dừng lại ở từng trường riêng biệt. Thứ trưởng hy vọng qua Dự án này, các đại học có thể góp phần tham mưu thêm các chính sách mới để cùng phát triển.

 

 

Đại diện USAID Mitch Kirby cũng cho biết cách tiếp cận của Cơ quan này với các đối tác trong Dự án PHER theo các mạng lưới chứ không còn riêng lẻ như các Dự án mà USAID tiến hành tại Việt Nam trước đây.

 

Chia sẻ quan điểm về vai trò của đại học công lập, PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, ĐHQG Tp.HCM cho rằng đây là nguồn cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; góp phần thúc đẩy tiến bộ khoa học – kỹ thuật thông qua nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tri thức mới và cung cấp kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Giáo sư Lauren Robel từ đại học Indiana, Bloomington đưa ra quan điểm rằng để vượt trội trong thế giới hiện nay, “các cơ sở giáo dục đại học cần phải kết nối nhiều hơn và trở nên khác biệt hơn” như kết nối nghiên cứu quốc tế, kết nối với doanh nghiệp, kết nối với chính môi trường xã hội của mình và phải xác định sứ mệnh riêng của mình để đảm bảo sự vượt trội.

 

 

Hiệu trưởng Trường Quốc tế, ĐHQGHN Lê Trung Thành chia sẻ về cách quản lý tài chính trong một đại học – chủ đề nóng nhất và thu hút nhiều câu hỏi thảo luận nhất trong Hội thảo.

 

 

GS. Dennis Cramwell từ ĐH Indiana chia sẻ về mô hình bảng dữ liệu giúp nhà quản lý nhìn thấy tất cả các số liệu vận hành của đại học.

 

 

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đặt câu hỏi với GS. Dennis Cramwell về kinh nghiệm khởi nghiệp cho Trung tâm Đại học số mà ĐHQGHN đang xây dựng.

 

Trong phiên thảo luận về quản trị chia sẻ, GS. Terrence Mason từ ĐH Indiana đề cập đến cơ sở lý luận của thực tiễn quản trị chung trong trường đại học hiện đại, tập trung vào cách các yếu tố chính của mô hình quản trị chung có thể đóng góp vào một môi trường thể chế, trong đó tất cả các bên liên quan đều có cảm giác làm chủ và cam kết với các mục tiêu và ưu tiên của trường đại học. Vai trò tiềm năng của quản trị chung cũng được ông xem xét trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay.

Trong khi đó, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng Lê Quang Sơn lại mô tả quản trị chia sẻ như một cách tiếp cận cho đổi mới quản trị đại học đã được thể chế hóa trong các quy định của nhà nước và của ngành giáo dục và đào tạo. Ông cũng đề xuất một số cách thức nhằm thúc đẩy sự phổ biến quản trị chia sẻ trong các cơ sở đại học.

Ngày 29/07/2022, Chuỗi Hội thảo của Dự án PHER sẽ tiếp tục diễn ra ở trụ sở Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Đây sẽ là lần đầu tiên khu vực tổ hợp HT1 – HT2 của ĐHQGHN được đưa vào sử dụng, trước khi chính thức phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập của sinh viên ĐHQGHN vào tháng 9 năm nay.

 

 

 

>>> Các tin liên quan:

- ĐHQGHN được thụ hưởng nhiều từ Dự án PHER cho chiến lược phát triển

- Tổng quan Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER)

- USAID: Nâng cao năng lực quản trị nhằm hiện đại hóa các đại học hàng đầu Việt Nam

- Chuẩn bị khởi động Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER) với Hoa Kỳ 

 Lê Huân
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ