TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 16:51:46 Ngày 21/10/2021 GMT+7
Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt – Anh với giải pháp phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Tháng 11/2021, Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glaslow, Scotland. Nhằm cung cấp những luận cứ khoa học, các giải pháp chính sách, tài chính, kĩ thuật và xã hội hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế phát thải thấp, hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia khác thực hiện Thỏa thuận Paris đồng thời đóng góp cho những kiến nghị của Việt Nam tại COP 26, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã tổ chức Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt – Anh với sự tham dự Ngài Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward.

 

Ngài Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward phát biểu khai mạc Diễn đàn

Diễn đàn do Trường Đại học Kinh tế phối hợp với Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (ICRAF-CIFOR Global) và Hội hữu nghị Việt Nam - Anh thực hiện, nhân dịp kỷ niệm 48 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Vương quốc Anh, đánh dấu sự kiện Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) chính thức có hiệu lực và sự kiện Việt Nam tham dự Hội nghị COP 26 tại Vương quốc Anh.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá cao vai trò của Trường Đại học Kinh tế đã cùng các đơn vị phối hợp tổ chức diễn đàn này với sự tham gia của các cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, thương mại và biến đổi khí hậu của Việt Nam và Vương quốc Anh.

Sự phát triển kinh tế thương mại sẽ luôn phải gắn liền với bảo vệ môi trường, giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Tại diễn đàn hôm nay, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách sẽ chia sẻ, thảo luận tích cực và hiệu quả những vấn đề liên quan đến kinh tế, thương mại Việt – Anh trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, trên cơ sở đó sẽ đề xuất chính sách và các mô hình phát triển kinh tế, thương mại bền vững giữa hai quốc gia.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN Nguyễn Trúc Lê

Diễn đàn bao gồm phiên tổng thể, 02 phiên chuyên đề và phiên thảo luận chính sách.

Tại phiên chuyên đề 1 có tiêu đề “Kinh tế, thương mại và đầu tư Việt – Anh”, các diễn giả thảo luận về những nội dung chính như thương mại bền vững giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, triển vọng UKVFTA cho Việt Nam nói chung và quan hệ thương mại – đầu tư với Vương quốc Anh nói riêng, cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Anh và Việt Nam, thách thức của đại dịch COVID-19 đến thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Phiên chuyên đề 2 có tiêu đề: “Biến đổi khí hậu và nền kinh tế các-bon thấp”. Phiên thảo luận tập trung vào mối quan hệ kinh tế và thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và phát triển bền vững và những khuyến nghị chính sách cho Việt Nam. Phiên này do GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách của Uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu; Giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm về địa môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Trưởng Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Anh làm chủ tọa.

Ông Nguyễn Quang Tân, Đại diện trưởng, Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế phát biểu tại Diễn đàn

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch TW Hội hữu nghị Việt Nam – Anh phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn còn hướng tới các mục tiêu kết nối các đối tác thương mại, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam và Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên gắn với giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; Đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề xã hội và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường góp phần tháo gỡ các rào cản thương mại đầu tư hiện nay và tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã giới thiệu Ấn phẩm “Việt Nam và Vương quốc Anh: quan hệ kinh tế - thương mại hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và phát triển bền vững” do PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, phó chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam – Anh, trưởng ban tổ chức diễn đàn, là chủ biên, Nhà xuất bản ĐHQGHN phát hành. Cuốn sách dày khoảng 720 trang với lời giới thiệu của Ngài Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam và ông Denzel Eades, chủ tịch của British Chamber of Commerce Sustainability Working Group. Nội dung cuốn sách gồm 34 chương được cấu trúc theo 3 nhóm chủ đề: Hợp tác thương mại, đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam và Vương quốc Anh (phần 1); phát triển nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế các-bon thấp định hướng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững tại Việt Nam và Vương quốc Anh (phần 2); hợp tác văn hóa, giáo dục, đào tạo hướng nghiệp, khoa học và công nghệ tại Việt Nam và Vương quốc Anh (phần 3). Cuốn sách cung cấp cho người đọc thông tin tổng hợp về thực trạng, bài học kinh nghiệm và những hàm ý chính sách của Việt Nam và Vương quốc Anh trong tất cả các lĩnh vực hợp tác phát triển, đặc biệt là những cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Anh đi vào chiều sâu, hiệu quả trong khuôn khổ Hiệp định song phương UKVFTA.

 

 

 

 

Kể từ khi đặt quan hệ ngoại giao chính thức, Việt Nam và Vương quốc Anh đã ký kết nhiều Hiệp định song phương nhằm thúc đẩy mối quan hệ toàn diện về kinh tế, chính trị và văn hóa. Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu (sau Đức và Hà Lan). UKVFTA được ký kết vào ngày 29/12/2020 và chính thức có hiệu lực vào năm 2021. UKVFTA được dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Các báo cáo kinh tế và môi trường trên toàn cầu ghi nhận khó khăn và thách thức mà các nước (trong đó có Vương quốc Anh và Việt Nam) đang gặp phải trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với sự phát triển kinh tế. COP 26 được coi là cơ hội và hi vọng cuối cùng để kìm hãm sự nóng lên của Trái Đất như Thoả Thuận Paris đã được thế giới thông qua vào năm 2015 với kì vọng giảm nhiệt độ nóng lên toàn cầu dưới mức 1,5-20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội của Việt Nam sẽ kết nối với Vương quốc Anh với tư cách nước chủ trì COP 26 nhằm thúc đẩy các giải pháp chính sách, tài chính, kĩ thuật, xã hội hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững và Cam kết tự nguyện quốc gia (NDC) để có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải trong Thỏa thuận Paris.

Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đề cao mục tiêu triển khai các nghiên cứu thể hiện trách nhiệm quốc gia của ĐHQGHN, tham gia giải quyết được những vấn đề trọng yếu trước mắt và lâu dài ở hầu hết các lĩnh vực, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Trường Đại học Kinh tế là một đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường có sứ mệnh cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng, hiệu quả và bền vững của Việt Nam; nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội.

>>> Các tin liên quan:

Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Đức 2020 thu hút sự quan tâm của đông đảo diễn giả trong nước và quốc tế

Trường Đại học Kinh tế khởi động Cuộc thi khởi nghiệp Business Challenges mùa 5

 Ảnh: VNU - UEB - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ