TIN TỨC & SỰ KIỆN
Phiên bản Tiếng Việt 15:47:08 Ngày 17/05/2022 GMT+7
“Khơi nguồn khoa học sáng tạo trong giới trẻ”
Là chủ đề của Hội nghị các nhà khoa học trẻ (Young Scientist Summit) được tổ chức tại Bộ Khoa học và Công nghệ vào sáng ngày 17/05/2022. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ, diễn giả đến từ doanh nghệp, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp…với mong muốn truyền cảm hứng tới những người trẻ tham gia nghiên cứu. Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn tham dự với vai trò điều hành phiên thảo luận.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hiện là lúc chúng ta cần có những đột phá về khoa học công nghệ. Muốn vậy, cần chuẩn bị nhiều thứ kể cả nguồn lực trong đào tạo trung học phổ thông. Ông cũng đánh giá cao các công ty công nghệ và doanh nghiệp quan tâm đến việc ứng dụng khoa học, truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu trẻ.

Thứ trưởng hy vọng những câu chuyện thực tế trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp sẽ là minh chứng thúc đẩy sự học hỏi và thành công trong tương lai của các bạn trẻ.

Tiếp đó, Giám đốc Đối ngoại của Bộ phận R&D Huawei Việt Nam Đặng Kim Long đã chia sẻ câu chuyện thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ mới trong thế hệ trẻ. Ông Long giới thiệu mô hình của Huawei Việt Nam và cách doanh nghiệp thúc đẩy giới trẻ nghiên cứu khoa học. Trong số đó, thu hút nhân tài là một trong những vấn đề được các doanh nghiệp trăn trở.

Giám đốc Đối ngoại của Bộ phận R&D Huawei Việt Nam Đặng Kim Long cho rằng Huawei không tạo áp lực cho các nhà khoa học mà cần tạo sân chơi phát triển cho các nhà nghiên cứu.

Để có được thành công, bà Nguyễn Thị Hương Liên đã phải trải qua rất nhiều thất bại. Nhớ lại câu chuyện cá nhân từ thời sinh viên của mình cách đây 30 năm, bà cho rằng những giải thưởng từ các nhà tài trợ khi đó đã thúc đẩy ước mơ sáng tạo của bà. Sau này, khi có điều kiện hơn, bà đã tham gia một số hoạt động ý nghĩa để khuyến khích các nhà khoa học trẻ như thành lập Quỹ Hỗ trợ sinh viên, trao giải thưởng, đặt hàng các viện nghiên cứu, trung tâm R&D chuyển giao công nghệ để thương mại hóa sản phẩm.

Là diễn giả thứ ba trong phiên chính, câu chuyện của Anh hùng lao động, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seeds Trần Mạnh Báo đã truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu trẻ nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả với câu chuyện của mình. Ông cho rằng ứng dụng công nghệ là một phần không thể thiếu của nền nông nghiệp Việt Nam và chính từ tuổi thơ cơ cực gắn với nông nghiệp của mình đã thôi thúc ông giúp đỡ bà con nông dân.

Ông Trần Mạnh Báo khuyên các nhà khoa học trẻ hãy tìm đến với nông nghiệp công nghệ cao vì lĩnh vực này còn rất nhiều dư địa để nghiên cứu.

PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) điều hành phần thảo luận tại Tọa đàm trong khuôn khổ Hội nghị

Sau phiên chính, hội nghị bước sang phần tọa đàm, điều hành bởi PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Cùng tham gia còn có TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban R&D, Công ty Fecon, Giảng viên kiêm điều phối chương trình Thạc sĩ kỹ thuật hạ tầng, Trường Đại học Việt Nhật; PGS Phạm Hùng Quý - Giảng viên Trường Đại học FPT; TS Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI), giảng viên trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội; ông Nguyễn Minh Quân - Giám đốc chiến lược sản phẩm, Ngành hàng Trải nghiệm Di động của Samsung Vina, ông Đặng Kim Long, Giám đốc Đối ngoại Huawei Việt Nam. Các diễn giả đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn của những người nghiên cứu trẻ, tìm ra họ cần hỗ trợ gì từ những doanh nghiệp dẫn dắt.

PGS. TS Mai Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Trưởng ban Giám khảo cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 (Ảnh: Vnexpress)

Ngay sau Hội nghị đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 do VnExpress là đơn vị tổ chức. PGS. TS Mai Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Trưởng ban Giám khảo. PGS Mai Anh Tuấn đã công bố 60 bài báo trên các tạp chí, hội nghị quốc tế và trong nước. Hướng nghiên cứu của ông ở lĩnh vực y sinh, nông nghiệp thông minh và tiết kiệm năng lượng, trong đó có nhiều công trình điển hình như chế tạo cảm biến điện hóa và thiết bị đo xác định virus cúm A, cảm biến sinh học hay linh kiện cơ, quang điện tử và vật liệu cấu trúc nano.

Sáng kiến khoa học là cuộc thi dành cho các nhà nghiên cứu chuyên và không chuyên, dưới 40 tuổi, trên toàn Việt Nam. Cuộc thi hướng đến 5 lĩnh vực gồm: y sinh - hóa sinh, giáo dục, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Mục đích cuộc thi nhằm tìm kiếm những sản phẩm nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo phục vụ cuộc sống.

Giải Đặc biệt tại Cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022 là dự án công nghệ vệ tinh kết hợp chà nổi truyền thống giúp ngư dân tăng sản lượng đánh bắt 3 đến 5 lần (Ảnh: Vnexpress)

Ngoài ra, chương trình còn trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích cho các Nhà khoa học đã tham gia cuộc thi.  

 VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ