Tin tức khoa học về COVID-19
Trang chủ   >  COVID-19  >   Tin tức khoa học về COVID-19  >  
Dịch COVID-19 và Bất bình đẳng giới
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, nó tác động nghiêm trọng tới những cộng đồng có nhiều khó khăn, làm trầm trọng thêm trình trạng bất bình đẳng và ảnh hưởng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau. Trong số đó phụ nữ chịu rất nhiều ảnh hưởng trên mọi khía cạnh của đời sống.

Trong lĩnh vực lao động, việc làm, trong năm 2020, Việt Nam có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tỷ lệ nữ thất nghiệp là 2,4% cao hơn so với nam giới (2,14%).

Chúng tôi đã có bài phỏng vấn TS. Nguyễn Việt Cường – nhà khoa học, chuyên gia của Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) về chủ đề “Dịch COVID-19 và Bất bình đẳng giới”. TS. Nguyễn Việt Cường vừa có một công bố về chủ đề trên tạp chí World Development.

- Xin chào TS. Nguyễn Việt Cường. Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia phỏng vấn của website Khoa Quốc tế. Được biết trong tháng 1 vừa qua, bài nghiên cứu “Bất bình đẳng giới trong đại dịch COVID-19: thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm và mất việc làm” của ông được công bố trên tạp chí World Development – tạp chí thuộc top 5% tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và phát triển. Xin chúc mừng ông. Xin ông có thể giới thiệu qua một chút về bài nghiên cứu của mình được không ạ?

- Tôi cùng TS. Đặng Hải Anh, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới, thực hiện nghiên cứu này. Nghiên cứu có sử dụng số liệu Khảo sát về tác động của đại dịch COVID-19 tại 6 quốc gia trên thế giới (Anh, Italy, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, và Trung Quốc). Kết quả cho thấy nhìn chung phụ nữ có tỷ lệ mất việc làm do COVID-19 nhiều hơn so với nam giới. Phụ nữ cũng phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên nhiều hơn so với nam giới. Tại các quốc gia có tỷ lệ ca nhiễm COVID-19 cao hơn thì tác động tiêu cực của đại dịch lên việc làm của phụ nữ càng lớn hơn. 

Khoa Quốc tế vinh danh TS. Nguyễn Việt Cường (giữa)
tại Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học công nghệ năm 2020.

- Có thể thấy Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống con người, và qua nghiên cứu của ông, ta lại thấy thêm tác động của nó đến bất bình đẳng giới, phụ nữ có nguy cơ mất việc làm cao hơn nam giới. Ông có thể phân tích rõ thêm vì sao phụ nữ lại đứng trước nguy cơ mất việc làm cao hơn nam giới?

- Có thể có nhiều nguyên nhân gây ra sự khác biệt giới trong tác động của đại dịch lên việc làm. Một trong những nguyên nhân là tỷ lệ phụ nữ làm việc trong khu vực dịch vụ cao hơn so với nam giới, mà chúng ta biết là khu vực dịch vụ chịu tác động của đại dịch lớn hơn khu vực công nghiệp và nông nghiệp.

- Theo thông tin đưa trên RFI,  trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, những tác động tiêu cực của Dịch bệnh đối với nữ giới cũng đã bắt đầu được trông thấy rõ. Số công trình khoa học của các nhà nghiên cứu nữ đã giảm mạnh trong giai đoạn phong tỏa, trong khi số bài báo, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nam giới lại tăng hơn nhiều so với bình thường. Theo ông điều gì đã ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học nữ khiến công trình nghiên cứu của họ giảm đi?

- Tôi chưa đọc kỹ bài nghiên cứu này. Tuy nhiên, tôi thấy có một số nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ khó làm việc ở nhà hơn so với nam giới, do nguyên nhân đặc thù công việc cũng như sức ép làm việc gia đình và chăm sóc con cái. Đã có nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bạo hành phụ nữ gia tăng trong thời gian thực hiện giãn cách ở một số quốc gia như Pháp, Úc và Mỹ. Đối với hoạt động nghiên cứu, rất có thể việc chăm sóc con cái và gia đình trong thời gian giãn cách đã làm thời gian nghiên cứu và số lượng công bố khoa học của phụ nữ.

- Dịch bệnh cũng đang tạo ra một xu hướng làm việc mới, xu hướng "công việc giao thoa" (hybrid work). Theo ông xu hướng công việc này có những ưu, nhược điểm thế nào?

- Làm việc từ xa (tại nhà) hay trực tuyến đã được nhiều công ty trên thế giới áp dụng. Một số nghiên cứu cho thấy làm việc từ xa không những làm giảm mà còn làm tăng năng suất lao động. Những công việc liên quan nhiều đến chuyên môn và nghiên cứu rõ ràng rất phù hợp làm việc từ xa. Việc kết hợp làm việc từ xa và tại văn phòng rõ ràng là xu thế trong tương lai khi mà việc tự động hóa và kết nối trực tuyến ngày càng phổ biến. Việc kết hợp sẽ cho người lao động chủ động hơn về thời gian, sắp xếp hợp lý thời gian biểu làm việc gia đình và công việc của cơ quan. Nhược điểm là loại hình làm việc kết hợp này không áp dụng được cho tất cả các vị trí công việc, và nó đòi hỏi phải có sự phối hợp công việc nhịp nhàng giữa những người lao động.

Phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng trên mọi khía cạnh của đời sống từ Dịch bệnh COVID-19
Ảnh: Internet.

 - Theo ông, để hỗ trợ nữ giới vượt qua giai đoạn Dịch bệnh, các nước nên có chính sách hỗ trợ ra sao cho chị em?

- Hiện nay Chính phủ đã có một số chính sách hỗ trợ cho những đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các chính sách chưa xác định đối tượng thụ hưởng theo giới tính. Tuy nhiên, nếu phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn thì họ sẽ thuộc nhóm được hỗ trợ nhiều hơn. Do vậy, tôi nghĩ có riêng chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đại dịch thì chưa thực sự cần tiết. Thay vào đó chính phủ nên có các chế tài mạnh mẽ hơn cũng như biện pháp thực tế hơn để đảm bảo ngăn chặn và răn đe tình trạng bạo lực gia đình. Công tác thông tin và tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình cũng cần được đẩy mạnh.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

 VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :