Các bài phát biểu của Giám đốc
Trang chủ   >  GIỚI THIỆU  >   Các bài phát biểu của Giám đốc  >  
Phan Bội Châu - Nhà tư tưởng và nhà văn hoá lớn
(Toàn văn bài phát biểu khai mạc của Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo khoa học quốc tế “Chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”, ngày 15/12/2017, tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).

Kính thưa:

- Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,

- Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An,

- Ngài Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam,

- Ngài Miyazawa Hiroyuki, Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản,

- Ông Amma Yukiho, Chủ tịch Hội Asaba Nhật Bản,

- Các quý vị đại biểu, các nhà khoa học và toàn thể Hội thảo.

Trước hết, thay mặt Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi xin bày tỏ sự vui mừng được cùng với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Quỹ Giao lưu Văn hóa Quốc tế Nhật Bản, Đại học Waseda (Nhật Bản), Trường Đại học Việt - Nhật (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Hội Asaba Nhật Bản… phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế “Chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”. Tôi xin được cảm ơn chân thành về sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu và sự cộng tác chặt chẽ của các cơ quan ngoại giao, cơ quan quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản, Quỹ tài trợ, các cơ quan thông tấn, báo chí - truyền thông trong việc tổ chức Hội thảo. Sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo, các nhà ngoại giao, nhà hoạt động chính trị - xã hội, các nhà nghiên cứu Việt Nam, Nhật Bản và tất cả các quý vị tại Hội thảo Quốc tế này chính là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đồng thời là nhân tố bảo đảm cho sự thành công của cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế của chúng ta.

Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa các nhà khoa học,

Cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế của chúng ta được tổ chức nhằm kỷ niệm 150 năm ngày sinh của chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro. Hội thảo là một trong những sự kiện chính trong chuỗi sự kiện văn hóa, khoa học và Lễ tưởng niệm, đón Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam dành cho Khu tưởng niệm Nhà yêu nước Phan Bội Châu ở quê hương Nam Đàn. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với những mục tiêu và nội dung phong phú của cuộc Hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế sẽ có nhiều đóng góp thật mới, với những cách thức tiếp cận và nguồn tư liệu mới... để tiếp tục làm sáng tỏ bối cảnh chính trị thế giới, châu Á và Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng, tấm lòng yêu nước, thương dân của cụ Phan Bội Châu và tình cảm đặc biệt giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Nhật Bản Asaba Sakitaro. Đó là hai nhà yêu nước, hai nhân vật tiêu biểu trong lịch sử quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thời cận hiện đại. Chính cụ Phan Sào Nam cùng với bác sĩ Asaba và nhiều nhà yêu nước, cách mạng khác, bằng nhiệt huyết và hành động cách mạng, bằng tình cảm chân thành, sự cảm mến, cộng cảm sâu sắc đã khắc ghi những dấu ấn sâu đậm cho việc xây đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản.

Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa các nhà khoa học,

Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đối mặt với nhiều nguy cơ to lớn, đặc biệt là nguy cơ dân tộc. Dưới ách thống trị của thực dân, nhiều phong trào yêu nước đã diễn ra nhưng cuối cùng trước sự đàn áp của chủ nghĩa thực dân, trước cường quyền và bạo lực, các cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh đó đều không thu được thành công như mong đợi. Nhưng, cũng chính trong thời điểm nguy nan đó của lịch sử, của Đông Á bằng nhiều con đường, phương thức khác nhau, những tư tưởng cải cách của các nhà tư tưởng phương Tây cũng như phương Đông đã đến Việt Nam. Sự thành công của Nhật Bản trên con đường cải cách Minh Trị và những ảnh hưởng của thế giới, Nhật Bản thời điểm đó đã đem lại niềm tin, niềm hy vọng và động lực mới cho sự hình thành các trào lưu yêu nước, đấu tranh chống ách nô dịch của thực dân phương Tây, giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Phân tích tình hình chính trị khu vực, và ại thuyết phục bởi con đường và mô hình phát triển của Nhật Bản, Phan Bội Châu và những người đồng chí của Ông đã hướng về Nhật Bản, tích cực thực hiện chủ trương đưa các thanh niên yêu nước sang Nhật Bản du học. Phong trào Đông Du đã hình thành từ đó. Với mục tiêu cứu nước cao cả, phong trào đã có sức cuốn hút mạnh mẽ trên cả ba vùng Bắc - Trung - Nam nhưng mạnh mẽ nhất, thu hút được nhiều thanh niên, trí thức trẻ tuổi yêu nước nhất là các tỉnh miền Trung - vùng đất giàu truyền thống yêu nước, nổi tiếng trung dũng, kiên cường.

Kính thưa các quý vị

Cuộc đời hoạt động của nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã qua cách đây gần một thế kỷ, thời gian chưa thật dài, nhưng bụi thời gian đã phủ đi nhiều dấu vết. Thời gió Á mưa Âu, dân tộc phải giải quyết chuyện tồn vong, khiến nhiều vấn đề về cuộc đời Cụ, hoạt động và tư tưởng của Cụ chưa phải đã được làm rõ ràng. Hy vọng hội thảo và các hoạt động tưởng niệm đợt này sẽ làm rõ thêm và lưu ý thêm nhiều điều cho học giới và xã hội. Cụ Phan là một nhà nho yêu nước, một nhà hoạt động xã hội có tầm ảnh hưởng quốc tế. Cụ là một nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn mà dòng truyền thống đã hội tụ và tỏa những ánh hào quang độc đáo trong giai đoạn giao thời giữa truyền thống và hiện đại, cổ và kim, phương đông và phương tây, dân tộc và nhân loại. Các hoạt động của Cụ chưa trực tiếp đem lại độc lập và tự do cho dân tộc, nhưng tinh thần yêu nước nhiệt thành và xả thân vì quốc dân của Cụ đã làm chấn hưng dân khí, đưa dân chúng của đất nước lầm than thức tỉnh. Đó là một trong các tiền đề quan trọng cho các phong trào cách mạng tiếp sau. Cổ nhân nói: không thể đem thành bại để luận anh hùng. Xét trên bình diện văn hóa, tư tưởng, tầm nhìn, hành động và tác động xã hội Cụ Phan xứng là một anh hùng dân tộc.

Để ghi nhận những đóng góp quan trọng của nhà yêu nước Phan Bội Châu với đất nước những thập niên đầu thế kỷ XX và để hướng tới những nhận thức sâu sắc hơn mối quan hệ, tình cảm đặc biệt giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro, tại Hội thảo này, nhiều tham luận khoa học sẽ đi sâu phân tích và làm sáng tỏ hơn nữa bối cảnh chính trị, xã hội của Việt Nam và Nhật Bản những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đồng thời làm rõ những đặc trưng văn hóa, truyền thống yêu nước, cách mạng của miền Trung, của quê hương Nghệ An và huyện Nam Đàn - Một vùng đất “Địa linh - Nhân kiệt”. Từ vùng đất ấy, khí thiêng của sông Lam - núi Hồng đã kết tụ, sinh thành, nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách, lý tưởng, ý chí và quyết tâm của cả một thế hệ các nhà yêu nước.

Qua nội dung và chương trình Hội thảo, chúng ta cũng vui mừng nhận thấy, tại cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế này, nhiều báo cáo khoa học, với những quan điểm và cách tiếp cận chuyên ngành kết hợp với liên ngành, sẽ tiếp tục làm sáng tỏ mối quan hệ cộng sự, tình cảm gắn bó hết sức thủy chung, mật thiết giữa nhà yêu nước Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba. Trong những ngày tháng phong trào Đông Du gặp nhiều khó khăn, sinh mạng chính trị của hơn 200 trí thức trẻ tuổi bị đe dọa nghiêm trọng, khâm phục trước tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu và các chí sĩ cách mạng Việt Nam, bác sĩ Asaba Sakitaro đã dành một nguồn tài chính lớn và hơn thế là một sự nghiệp lớn, một tình cảm lớn cho phong trào Đông Du. Nhờ có nghĩa cử cao cả, hào hiệp đó mà Phong trào Đông Du có thể tiếp tục hoạt động thêm một thời gian và Phan Bội Châu cùng những đồng chí của Ông có thể thu xếp cho các thanh niên yêu nước về nước tiếp tục hoạt động.

Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa các nhà khoa học,

Cuộc Hội thảo của chúng ta, với những nội dung chuyên môn được đặt ra cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Nhật Bản. Mối quan hệ đó đã được hình thành sớm, có nhiều thăng trầm qua thời gian nhưng điều hết sức vui mừng mà mỗi chúng ta đều nhận thấy là, kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 đến nay, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng trở nên toàn diện, sâu sắc. Đó là mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược gắn bó vận mệnh giữa hai dân tộc chúng ta.          

Hiện nay ĐHQGHN đã triển khai nhiều hợp tác về khoa học giáo dục với các đại học của Nhật Bản. ĐHQGHN cũng đã thành lập, phát triển ĐH Việt Nhật, đây là sự tiếp nối sinh động có ý nghĩa nhiều mặt cho tinh thần giao lưu trí tuệ, tình cảm giữa hai nước Viẹt Nam Nhật Bản trong giai đoạn mới.   

Cuối cùng, thay mặt lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi của các đồng chí lãnh đạo, của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Quỹ Giao lưu Văn hóa Quốc tế Nhật Bản, tỉnh Sizuoka quê hương của bác sĩ Asaba sakitaro, Hội Asaba Nhật Bản và tất cả các quý vị, các nhà khoa học Việt Nam - Nhật Bản đã cùng phối hợp, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để cuộc Hội thảo của chúng ta được tổ chức tại Nghệ An, quê hương của nhà yêu nước Phan Bội Châu, của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và nhiều vị anh hùng, danh nhân văn hóa kiệt xuất khác.

Xin trân trọng cảm ơn toàn thể các vị khách quý và các nhà khoa học.

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

 

- Hội thảo khoa học quốc tế: "Chí sỹ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản"(15/12/2017)

.

(*) Tiêu đề bài do BBT Website đặt

 

 Nguyễn Kim Sơn - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :