Văn bản liên quan
Trang chủ   >  HỢP TÁC & PHÁT TRIỂN  >   Văn bản liên quan  >  
Phát biểu của Giám đốc ĐHQGHN

PHÁT BIỂU CHÀO MỪNG DIỄN ĐÀN

GIÁM ĐỐC BỐN ĐẠI HỌC CHỦ CHỐT ĐÔNG Á LẦN THỨ III

                                  

(GS.TSKH ĐÀO TRỌNG THI - GIÁM ĐỐC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI)

 

 

Thưa các vị khách quý

Thưa toàn thể hội nghị

 

       Trước hết, thay mặt cho Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị lãnh đạo, các nhà khoa học của Đại học Bắc Kinh, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Quốc gia Tokyo và toàn thể các vị đại biểu đã đến tham dự cuộc Hội nghị quốc tế với chủ đề: Các giá trị văn hoá Đông Á và vận dụng các giá trị Đông Á trong giáo dục đại học, được tổ chức tại đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay.

 

       Chúng ta đều biết, Đông Á là một khu vực địa – văn hoá, địa – chính trị ẩn chứa nhiều đặc tính tương đồng. Từ những thế kỷ trước và sau công nguyên, giữa các nước trong khu vực đã có những mối liên hệ tương đối gần gũi, thường xuyên về lịch sử, văn hoá. Người ta đã biết đến những mạch nguồn và dòng chảy văn hoá từ bên ngoài. Những liên hệ, giao lưu và hội nhập văn hoá đã có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển lịch sử, sự trưởng thành về ý thức dân tộc cũng như đã góp phần của mỗi quốc gia trong khu vực trở nên phong phú và giàu bản sắc hơn.

 

       Tại những hội nghị trước đây được tổ chức ở Tokyo và Bắc Kinh, các nhà khoa học từ các trường đại học của chúng ta đã trao đổi một số vấn đề mang tính định hướng về nội dung, chương trình giảng dạy trong các trường đại học Đông Á. Tại các hội nghị đó, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa khu vực, bảo tồn và phát huy các giá trị Đông Á trước khuynh hướng quốc tế hoá, toàn cầu hoá cũng đã được đông đảo các đại biểu đặc biệt quan tâm. Tại cuộc hội nghị lần này, chúng ta sẽ có dịp đi sâu phân tích các gía trị văn hoá Đông Á để từ đó vận dụng các giá trị đó trong giáo dục đại học và giải quyết những vấn đề liên quan đến quan hệ Đông-Tây. Đây là một chủ đề khoa học thú vị, cần phải tiếp tục đi sâu nghiên

cứu hơn nữa để hướng tới một nhận thức sâu sắc và toàn diện về các giá

trị văn hoá của mỗi nước cũng như những đặc trưng tiêu biểu, nổi bật, chứa đựng những giá trị văn hoá chung nhất của toàn thể khu vực với tư cách là một bộ phận rất có ý nghĩa của di sản văn hoá phương Đông.

 

       Tôi cũng được biết rằng từ nhiều thế kỷ trước, trong điều kiện thể xác lập được những mối bang giao chính thức và thường xuyên nhưng xứ đoàn ngoại giao của các nước trong khu vực đã có nhiều dịp gặp gỡ ở kinh đô Trung Hoa và cũng đã có những cuộc trao đổi, luận đàm với sự cảm thông, giao hoà sâu sắc. Rõ ràng là, bên cạnh vốn tri thức chung là Hán ngữ, giữa các nước Đông Á còn chia sẻ những tương đồng về cơ sở kinh tế, nền tảng văn hoá, quan hệ xã hội cũng như thế ứng xử với môi trường chính trị vốn là vấn đề nhạy cảm của khu vực.

                                     

       Trong quá trình phát triền lâu dài, quan hệ kinh tế, ngoại giao… giữa các quốc gia Đông Á không chỉ mang tính khu vực mà còn luôn chịu sự tác động của tình hình quốc tế. Từ những thế kỷ sau công nguyên, đặc biệt là từ thời Đường, các quốc gia Đông Á đã có mối liên hệ với nhiều dân tộc trên thế giới. Con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển được thiết lập vào thời kỳ này đã đem lại không ít những giá trị phát triển sáng tạo cho văn hoá khu vực thông qua việc tiếp nhận những thành tựu văn hoá của Đông Nam Á, Nam Á, Trung Cận Đông và cả từ kho tàng văn hoá châu Âu.

 

       Phương Đông, trong đó có khu vực văn hoá Đông Á, đã từng là một trung tâm phát triển sớm và đạt nhiều thành tựu rực rỡ về văn hoá, đồng thời là một trong hai trung tâm văn minh lớn của nhân loại. Sự hưng thịnh, trù phú của phương Đông đã thôi thúc các nhà thám hiểm, các đoàn thuyền buôn tìm đến vùng đất “Ấn Độ” và “Trung Hoa” giàu có. Tuy nhiên, từ thế kỷ XVII trở đi, cùng với quá trình thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của các công ty Đông Ấn và đoàn truyền giáo, cuộc xung đột văn hoá Đông – Tây càng trở nên gay gắt hơn. Hệ quả là, sau hàng loạt những thách thức và xung đột quân sự, nhiều quốc gia phương Đông, trong đó có những nước vốn đã từng là cường quốc, có nền văn hóa phát triển rực rỡ, đã phải chịu sự lệ thuộc vào phương Tây. Vì vậy, ngay từ thế kỷ XIX, nhiều giá trị văn hoá của phương Đông đã được chính người châu Á đặt ra và xem xét lại. Trước sức mạnh của phương Tây, cũng có quan điểm cho rằng: Văn hoá của các dân tộc Đông Á nói riêng và phương Đông nói chung đã trở nên lạc hậu, bảo thủ, cản trở tiến trình phát triển lịch sử, còn văn minh phương Tây là phát triển, tiên tiến. Do vậy, muốn thoát khỏi nạn xâm lược của phương Tây thì phải thực sự tiến hành công cuộc duy tân, cải cách, phải áp dụng những khuôn mẫu của phương Tây. Vì thế mà sự hội nhập với thế giới, thực hiện Công nghiệp hoá luôn được hiểu đồng nghĩa với Phương Tây hoáHiện đại hoá.

 

       Trải qua quá trình đấu tranh để bảo vệ nền độc lập và xây dựng đất nước, các dân tộc Đông Á ngày càng nhận thức rõ hơn những giá trị văn hoá bản địa và bản sắc văn hoá dân tộc. Đó là di sản hết sức quý báu được hun đúc từ truyền thống và chiều sâu lịch sử, là nhân tố cố kết tinh thần dân tộc, tạo nên sức mạnh của toàn thể dân tộc trên con đường phát triển và hội nhập với thế giới.

 

       Trong khi chúng ta đi sâu tìm hiểu, phân tích những đặc tính tương đồng về lịch sử, văn hoá giữa các quốc gia Đông Á, chúng ta cũng không thể không chú ý đến một thực tế là giữa các nước trong khu vực cũng có nhiều sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, quy mô dân số, con đường và mức độ phát triển kinh tế, tiến trình lịch sử cũng như những phong tục, tập quán riêng bịêt. Theo quan niệm của chúng tôi, tìm hiểu những khác biệt đó cũng là điều cần thiết. Bởi vì, có như vậy chúng ta mới có được những nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về tính phát triển đa dạng của lịch sử, văn hoá Đông Á, về những nét dị bịêt của môi trường tự nhiên, xã hội và văn hoá của từng thành viên trong khối Đông Á. Trên cơ sở đó, mỗi thành viên Đông Á có thể lựa chọn cho mình một chiến lược phát triển phù hợp, đồng thời rút ra những kết luận khoa học và kinh nghiệm cần thiết cho việc thiết lập, củng cố mối quan hệ, hợp tác hữu nghị giữa các nước ngày càng trở nên hoà hợp, hiệu quả hơn.

 

       Thưa quý vị đại biểu

 

       Cùng với sự phát triển chung của nhiều ngành khoa học, Đông phương học nói chung và Đông Á học nói riêng đang đứng trước nhiều triển vọng tốt đẹp. Từ phạm vi chuyên môn của mình, các nhà nghiên cứu Việt Nam đang ngày càng có những quan hệ hợp tác nghiên cứu chặt chẽ với các nhà khoa học trong nước, khu vực và quốc tế để cùng nhau tiên hành những chương trình nghiên cứu mang tính đa ngành, liên ngành, đòi hỏi trí tuệ của nhiều lĩnh vực khoa học, nhiều đối tượng chuyên gia. Các phương pháp nghiên cứu hiện đại đã và đang đem lại những thành tựu và nhận thức khoa học mới về nhiều vấn đề đặt ra trong việc tìm hiểu lịch sử, xã hội, kinh tế và văn hoá của mỗi nước cũng như nhận thức chung về đặc tính và bản sắc văn hoá khu vực. Trong những năm gần đây, ngành Đông phương học nói chung và Đông Á nói riêng của Việt Nam tuy đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng những thành tựu đó còn hết sức khiêm tốn so với nhu cầu nhận thức, sự phát triển của đất nước cũng như trong mối tương quan chung về trình độ học thuật của các nứơc trong

khu vực.

       

       Với tinh thần đó, chúng tôi tin tưởng rằng cuộc hội nghị về: Những giá trị văn hoá Đông Á và vận dụng các giá trị Đông Á trong giáo dục đại học, được tổ chức ở Hà Nội lần này, sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. Hội nghị lần này là dịp thuận lợi để các nhà nghiên cứu trình bày những thành tựu và nhận thức khoa học mới về các giá trị Đông Á, về thuộc tính Đông Á của mỗi nước thành viên, về mối quan hệ, giao lưu văn hoá của các quốc gia trong khu vực với thế giới, đặc biệt là mối quan hệ Đông – Tây, cũng như việc bảo tồn, phát huy những giá trị Đông Á trong quá trình phát triển của mỗi nước trước xu thế toàn cầu hoá, nhất thể hoá hiện nay.

 

       Hội nghị lần này cũng là cơ hội để chúng ta tăng cường và thiết lập quan hệ hợp tác giữa những người đồng nghiệp, xây dựng một mạng lưới phối hợp nghiên cứu và giảng dạy giữa các trường đại học hàng đầu ở khu vực Đông Á. Những kết quả đạt được tong các cuộc Hội nghị trước đây cũng như Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội lần này không chỉ có ý nghĩa về phương diện nghiên cứu, giảng dạy đại học, giáo dục thế hệ trẻ mà còn góp phần thiết thực để tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực. Về phần mình, Đại học Quốc gia Hà Nội sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho sự hợp tác khoa học giữa các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia Việt Nam và Đông Á.

 

       Nhân dịp này, thay mặt cho Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến của phía Nhật Bản trong việc đề xuất và nhận đăng cai tổ chức Hội nghị giữa các vị lãnh đạo, các nhà khoa học của các Đại học chủ chốt ở khu vực Đông Á. Chúng tôi đánh giá cao nội dung và những kết quả đạt được trong cuộc Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức ở Đại học Quốc gia Tokyo, Nhật Bản và Hội nghị lần thứ hai ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Chúng tôi tin tưởng rằng, kế hoạch tổ chức hội nghị hàng năm luân phiên giữa thủ đô các nước sẽ tiếp tục thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa, quan hệ giữa bốn đại học của chúng ta cũng trở nên ngày càng gắn bó, mật thiết hơn.

 

       Xin chúc Hội nghị thành công, chúc các vị lãnh đạo các trường đại học, các nhà khoa học và quý vị đại biểu dồi dào sức khoẻ, đạt nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp khoa học của mình.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :