Văn bản liên quan
Trang chủ   >  HỢP TÁC & PHÁT TRIỂN  >   Văn bản liên quan  >  
Tuyên bố chung Hà Nội

TUYÊN BỐ CHUNG HÀ NỘI

 

(Tại Diễn đàn Giám đốc 4 Đại học chủ chốt Đông Á lần thứ VIII, tháng 11 năm 2006)

 

 

Theo sáng kiến của Đại học Tokyo, được sự đồng ý của Đại học Bắc Kinh và Đại học Quốc gia Seoul, năm 1995 một Hội thảo về giáo dục đại học đã được tổ chức ở Nhật Bản. Giám đốc Đại học Tokyo, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Bắc Kinh và các học giả tham dự đã nhất trí cho rằng hội thảo như vậy cần tiếp tục được tổ chức. Năm 1999, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận lời mời tham dự hội thảo tổ chức tại Tokyo. Bốn đại học nhất trí rằng, từ năm 2000, hội thảo được nâng lên thành Diễn đàn chính thức giữa bốn đại học Đông Á được tổ chức họp định kỳ hàng năm với sự tham gia của các vị giám đốc đại học nhằm mục đích “xây dựng văn hóa chung cho bốn đại học Đông Á”. Sau đó, Diễn đàn Giám đốc bốn đại học chủ chốt Đông Á lần lượt tổ chức ở Bắc Kinh, Seoul và Hà Nội. Năm 2006, Diễn đàn được tổ chức tại Hà Nội lần thứ 2.

 

          Là các đại học đại diện cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, bốn Đại học Đông Á có trọng trách trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước mình. Trong xu thế toàn cầu hoá đang phát triển mạnh mẽ và mối quan hệ giao lưu, hợp tác trong khu vực ngày càng phát triển, bốn Đại học Đông Á còn có trách nhiệm góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hoà bình và phát triển bền vững của khu vực và thế giới, phù hợp với xu thế chung của thế kỷ 21. Sau nhiều năm được tổ chức liên tục, Diễn đàn Giám đốc bốn Đại học Đông Á đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp. Tại đây, các nhà quản lý có dịp gặp gỡ nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm để đưa ra những sáng kiến chung, thúc đẩy sự phát triển của mỗi đại học. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các học giả thảo luận về các vấn đề lớn và có ý nghĩa với giáo dục đại học như “văn minh Đông Á”, “tác động văn minh phương Tây đối với Đông Á”, “đa dạng văn hoá”, “phát triển bền vững”….

 

          Khu vực Đông Á đã trải qua các thời kỳ lịch sử phức tạp và đầy biến động. Mỗi nước đều có hoàn cảnh riêng nên việc xây dựng một nhận thức chung về lịch sử là không đơn giản. Với tinh thần khoa học và ý thức trách nhiệm cao, Diễn đàn Giám đốc bốn Đại học Đông Á và những hoạt động trong khuôn khổ hợp tác của bốn Đại học đã và sẽ tiếp tục cùng nhau tìm ra những giải pháp tích cực từ các lĩnh vực giáo dục đại học và học thuật để có thể góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ tin cậy, hợp tác giữa các dân tộc.

 

          Diễn đàn Giám đốc bốn Đại học chủ chốt Đông Á có chung một quan điểm cho rằng cần phải tôn trọng các nền văn hoá và lịch sử riêng biệt của các khu vực và các dân tộc trên thế giới, góp phần bảo vệ và phát huy tính đa dạng văn hoá của thế giới trong xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ. Cách sử dụng ngôn ngữ trong Diễn đàn cũng thể hiện tinh thần này. Ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong các cuộc hội thảo của Diễn đàn Giám đốc bốn Đại học chủ chốt Đông Á là bốn thứ tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Tuy nhiên, Diễn đàn cũng thống nhất rằng, bên cạnh những đặc thù mang tính bản sắc cần được trân trọng, bốn Đại học Đông Á sẽ nỗ lực tìm ra những nét tương đồng để tạo nên thế mạnh liên thông và liên kết. Chủ trương xây dựng một số chương trình và giáo trình dùng chung cho cả 4 đại học cần được duy trì và đẩy mạnh.

 

          Diễn đàn Giám đốc bốn Đại học chủ chốt Đông Á cũng cho rằng sự khác biệt giữa các nền văn hoá không tạo nên mâu thuẫn mà trái lại nếu biết khai thác và phát huy trên quy mô rộng lớn hơn thì đời sống vật chất và tinh thần của loài người sẽ càng thêm phong phú. Sự hoà hợp về văn hoá không có nghĩa là xoá bỏ sự khác biệt mà trái lại, cần tìm hiểu để chắt lọc những nét đặc sắc, những yếu tố tinh tuý nhất nhằm bổ sung cho nhau. Đây là cách chúng ta xây dựng văn hoá chung cho Diễn đàn Giám đốc bốn Đại học Đông Á.

 

          Sáng kiến tổ chức Diễn đàn Giám đốc bốn Đại học chủ chốt Đông Á bắt đầu từ nhận thức về tính chất gần gũi văn hoá của khu vực Đông Á, nhưng theo xu hướng hội nhập tất yếu của thế giới và nhân loại, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và học thuật, cần sớm mở rộng khuôn khổ hợp tác. Việc xúc tiến giao lưu về giảng dạy và nghiên cứu cũng không chỉ giới hạn ở châu Á mà còn phải tính đến quan hệ giao lưu với các khu vực châu Âu, châu Mỹ và châu Phi. Bốn đại học thành viên Diễn đàn căn cứ vào tinh thần kể trên, cùng nhau tìm tòi phương án cụ thể để Diễn đàn thành một mạng lưới chính thức mang tính chất mở.

 

          Từ thực tế đã tích luỹ được sau nhiều năm phối hợp và với mục đích phù hợp với xu hướng phát triển chung của giáo dục đại học trên thế giới, bốn Đại học Đông Á mong rằng nếu Diễn đàn được củng cố và phát triển, trở thành một mạng lưới chính thức, sẽ góp phần tích cực hơn nữa vào việc mở rộng và củng cố liên kết trong lĩnh vực đại học và giao lưu học thuật không chỉ ở khu vực Đông Á mà còn có ảnh hưởng trên phạm vi quốc tế rộng lớn hơn.

 

          Tuyên bố chung Hà Nội được làm thành bốn (04) bản gốc, một (01) bản tiếng Việt Nam, một (01) bản tiếng Hàn Quốc, một (01) bản tiếng Nhật Bản và một (01) bản tiếng Trung Quốc, có giá trị pháp lý ngang nhau. Mỗi đại học giữ một bản bằng ngôn ngữ của mình.

 

Ngày 3 tháng 11 năm 2006

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :