Giải thưởng ĐHQGHN
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >   Giải thưởng Khoa học - Công nghệ  >   Giải thưởng ĐHQGHN
Công trình "Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII"
Đây là công trình nghiên cứu của 2 tác giả: GS. Hà Văn Tấn và PGS. Phạm Thị Tâm. Công trình đã được trao tặng Giải thưởng khoa học công nghệ ĐHQGHN lần thứ I.

Công trình này nằm trong chương trình nghiên cứu các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nhằm phục vụ việc tuyên truyền giáo dục những truyền thống tốt đẹp về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo (truyền thống quân sự) của tổ tiên ta để động viên sức chiến đấu của quan dân cả nước trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975. (Chương trình nghiên cứu của Khoa Lịch Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).

Công trình này đã được Nhà xuất bản Khoa học xã hội in thành sách năm 1968 (sách gồm 360 trang khổ 13x 19). Sách đã được nhiều nhà sử học, nhà văn hoá, nhà chính trị, nhà quân sự, giáo viên, sinh viên, một số người đọc rộng rãi, một số học giả nước ngoài tìm đọc và hoan nghênh. Đây cũng là một trong những cuốn sách mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc trong thời gian cuối của Người. Do vậy mà sách đã được tái bản nhiều lần. Nhà xuất bản Khoa học và Xã hội tái bản lần II năm 1970, lần III năm 1972, lần IV năm 1975 (30.000 bản) và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân lần V năm 2003 (1000 bản).

PGS. Phạm Thị Tâm

Trong gần 40 năm qua độc giả, đặc biệt là các nhà sử học đã đánh giá cao công trình này, cho rằng đây là công trình có nhiều đóng góp khoa học, có giá trị thực tiễn cao.

Công trình đã có riêng một chương, chương mở đầu gần 10 trang: về các nguồn sử liệu để nói về tình hình tư liệu, phương pháp khai thác tư liệu. Công trình đã sử dụng sách chữ Việt, chữ Hán của Việt Nam, Trung Quốc, sách Ba Tư, sách Nhật Bản, sách Nga và các nước phương Tây khác. Đặc biệt còn sử dụng chữ trên đá (văn bia), chữ trên đồng (minh trên chuông). Công trình rất lưu ý đến sách, thư từ giao dịch, ký, thơ của những người đương thời hoặc gần đương thời. Tất cả các tư liệu đồ sộ, phong phú, đa dạng đó đã được giám định một cách chặt chẽ, khoa học khiến chúng bổ sung, kiểm chứng làm tăng giá trị cho nhau. Trên cơ sở đó công trình đã đưa ra được những sự kiện diễn biến lịch sử mà các sách viết về chống Nguyên - Mông trước đây chưa viết hoặc viết chưa chính xác (như số lượng quân Mông Cổ trong lần xâm lược thứ nhất, thêm một mũi tấn công của quân Nguyên từ Vân Nam trong lần xâm lược thứ hai, thời gian ra đời của Hịch tướng sĩ, thời gian xẩy ra trận Vân Đồn trong lần kháng chiến thứ ba …), Từ những phát hiện mới này công trình đã đưa ra những nhận xét về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, về nghệ thuật lãnh đạo kháng chiến tài tình của nhà Trần.

Công trình đã được nghiên cứu bằng phương pháp lịch sử và logic, đặt cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII vào trong bối cảnh lịch sử trong nước, thế giới với các mối quan hệ chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội. Công trình đã được trình bày một cách tổng thể mà lại rất cụ thể cho thấy cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII đạt đến đỉnh cao của lịch sử dựng nước và giữa nước từ trước đến đó và để lại nhiều bài học cho các giai đoạn lịch sử sau.

Tóm lại đây là một công trình được đa số các nhà sử học, nhiều nhà văn hoá, chính trị, quân sự, một số nhà khoa học nước ngoài đánh giá cao vì tư liệu phong phú, phương pháp nghiên cứu tốt, đã trình bày lại khá đầy đủ, chân xác cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII tuyệt với của dân tộc Việt Nam.

 T.B (nguồn: Ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN)
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :