Quy chế đào tạo
Trang chủ   >  ĐÀO TẠO  >   Quy chế đào tạo  >  
Chương IV - TỔ CHỨC ĐÀO TẠO

Điều 23. Học kỳ
          Mỗi năm học có hai học kỳ chính và một học kỳ phụ.
          Mỗi học kỳ chính có 15 tuần thực học và từ 3 đến 4 tuần thi.
          Mỗi học kỳ phụ có ít nhất 5 tuần thực học và 1 tuần thi, được tổ chức trong thời gian hè.
          Điều 24. Khóa học
          1. Thời gian tối đa hoàn thành khóa học bao gồm thời gian thiết kế của khóa học và thời gian được phép tạm ngừng học để củng cố kiến thức, cải thiện kết quả học tập.
2. Thời gian của khóa học
a) Thời gian của khóa học đào tạo chính quy theo chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao, tài năng và đạt chuẩn quốc tế tương ứng là 8 học kỳ chính đối với đào tạo cử nhân, từ 9 đến 10 học kỳ chính đối với đào tạo kỹ sư. Thời gian được phép tạm ngừng học để củng cố kiến thức, cải thiện kết quả học tập là 4 học kỳ chính;
b) Thời gian của khóa học đào tạo vừa làm vừa học dài hơn so với khóa học đào tạo chính quy ở cùng trình độ từ 1 đến 2 học kỳ chính. Thời gian được phép tạm ngừng học để củng cố kiến thức, cải thiện kết quả học tập là 4 học kỳ chính;
c) Thời gian của khóa học đào tạo liên thông từ 3 đến 4 học kỳ chính tùy theo ngành học. Thời gian được phép tạm ngừng học để củng cố kiến thức, cải thiện kết quả học tập là 2 học kỳ chính;
d) Thời gian của khóa học đào tạo văn bằng thứ hai do thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định cho từng sinh viên trên cơ sở những kiến thức đã được tích lũy và kết quả học tập được bảo lưu, nhưng không vượt quá thời gian quy định đối với một ngành học;
e) Thời gian tối đa đào tạo bằng kép là thời gian tối đa hoàn thành chương trình đào tạo thứ nhất.  
3. Năm đào tạo
Sau mỗi học kỳ, căn cứ vào số tín chỉ tích lũy (không kể các môn học tự chọn tự do, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh và kỹ năng mềm), sinh viên được xếp năm đào tạo như sau: 
Năm đào tạo
Chương trình
đào tạo chuẩn
Chương trình đào tạo chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế
Chương trình
đào tạo tài năng
Năm thứ nhất
Dưới 35 tín chỉ
Dưới 40 tín chỉ
Dưới 45 tín chỉ
Năm thứ hai
Từ 35 - 70 tín chỉ
Từ 40 – 80 tín chỉ
Từ 45 – 90 tín chỉ
Năm thứ ba
Từ 71 – 105 tín chỉ
Từ 81 – 115 tín chỉ
Từ 91 – 130 tín chỉ
Năm thứ tư
Từ 106 – 140 tín chỉ
Từ 116 – 155 tín chỉ
Từ 131 – 170 tín chỉ
Năm thứ năm
Từ 141 – 150 tín chỉ
 
 
 
Điều 25. Kế hoạch đào tạo
1. Hàng năm, đơn vị đào tạo lập kế hoạch tổ chức đào tạo, lịch trình đào tạo chi tiết theo kế hoạch thống nhất, đảm bảo liên thông trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội và báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội trước ngày 31 tháng 7.
2. Đầu khóa học, đơn vị đào tạo thông báo cho sinh viên:
a) Cam kết chất lượng giáo dục;
b) Chương trình đào tạo của ngành học;
c) Chuẩn đầu ra của ngành học;
d) Điều kiện đảm bảo chất lượng (đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, thư viện và hệ thống giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo);
e) Thu chi tài chính (kế hoạch tài chính, học phí, học bổng);
f) Quy chế đào tạo và các quy định liên quan tới học tập, rèn luyện, sinh hoạt của sinh viên.
3. Đầu năm học, đơn vị đào tạo thông báo cho sinh viên kế hoạch học tập của năm học.
4. Chậm nhất một tháng trước khi học kỳ mới bắt đầu, đơn vị đào tạo thông báo:
a) Thời khóa biểu lớp môn học dự kiến giảng dạy trong học kỳ có các thông tin: tên môn học, số tín chỉ, tên lớp môn học, tiết học, phòng học, số sinh viên tối thiểu, tối đa của lớp môn học, họ và tên, email và số điện thoại liên lạc của giảng viên dạy môn học và các thông tin khác;
b) Thời gian và cách thức tổ chức đăng ký môn học;
c) Các môn học không thể tổ chức giảng dạy theo kế hoạch đã công bố.
5. Tùy theo tình hình đăng ký môn học thực tế, đơn vị đào tạo thông báo các môn học không thể tổ chức giảng dạy theo kế hoạch đã công bố sau khi hết hạn đăng ký môn học.
           6. Chậm nhất một tháng sau khi kết thúc học kỳ và kết thúc năm học, các đơn vị đào tạo nộp báo cáo sơ kết học kỳ và tổng kết năm học cho Đại học Quốc gia Hà Nội.
          Điều 26. Thời gian hoạt động giảng dạy
Thời gian hoạt động giảng dạy của đơn vị đào tạo từ 7 giờ đến 21 giờ hàng ngày thống nhất trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội. Một tiết học kéo dài 50 phút. Thời gian nghỉ giữa hai tiết học là 10 phút. 
          Điều 27. Tổ chức lớp học
1. Lớp khóa học
Lớp khóa học được tổ chức cho các sinh viên cùng một ngành học trong cùng một khóa học và ổn định từ đầu đến cuối mỗi khóa học nhằm quản lý sinh viên, duy trì các hoạt động đoàn thể, các phong trào thi đua,các hoạt độngchính trị - xã hội, văn hóa, thể thao trong quá trình học tập. Phụ trách lớp khóa học là giáo viên chủ nhiệm. Đại diện lớp khóa học là Ban cán sự lớp.
Lớp khóa học được gọi tên theo ngành học và năm nhập học của sinh viên, có mã hiệu theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trường hợp sinh viên được phép nghỉ học tạm thời khi trở lại học tiếp được bố trí vào lớp khóa học phù hợp với khối lượng kiến thức đã tích lũy nhưng giữ nguyên mã sinh viên đã được cấp. 
2. Lớp môn học
Lớp môn học được tổ chức cho sinh viên học cùng một môn học trong cùng một học kỳ. Đơn vị đào tạo phụ trách môn học có trách nhiệm thành lập và quản lý lớp môn học.
Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định số lượng sinh viên tối thiểu và tối đacho mỗi lớp môn học tùy theo từng môn học, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của đơn vị. Lớp môn học sẽ không được tổ chức nếu số sinh viên đăng ký ít hơn số lượng sinh viên tối thiểu đã quy định, khi đó sinh viên phải đăng ký học môn học khác nếu chưa đủ khối lượng học tập tối thiểu cho mỗi học kỳ.
Giảng viên môn học trực tiếp phụ trách lớp môn học. Đại diện lớp môn học là lớp trưởng do giảng viên môn học chỉ định. Lớp trưởng lớp môn học giúp giảng viên theo dõi việc học tập của sinh viên. Tinh thần, thái độ và kết quả học tập của sinh viên theo lớp môn học được kết hợp với kết quả rèn luyện theo lớp khóa học để thống nhất quản lý, đánh giá sinh viên. Kết quả này được chuyển cho giáo viên chủ nhiệm lớp, cán sự lớp khóa học, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và chi bộ sinh viên.
Tên lớp môn học được gọi theo mã môn học. Trường hợp một môn học có nhiều lớp môn học, tên lớp môn học bổ sung số thứ tự lớp môn học. Trường hợp một môn học có nhiều đơn vị đào tạo tổ chức giảng dạy, tên lớp môn học được bổ sung mã đơn vị.
          Điều 28. Đăng ký môn học
1. Số tín chỉ đăng ký học trong mỗi học kỳ (không bao gồm các môn học giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng – an ninh, kỹ năng mềm, cải thiện điểm, tự chọn tự do)
a) Đối với học kỳ chính
- Chương trình đào tạo chuẩn:                             Tối thiểu 14 tín chỉ
- Chương trình đào tạo chất lượng cao:      Tối thiểu 16 tín chỉ
- Chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế: Tối thiểu 16 tín chỉ
- Chương trình đào tạo tài năng:                 Tối thiểu 18 tín chỉ
- Chương trình đào tạo chuẩn theo hình thức vừa làm vừa học và các chương trình đào tạo còn lại: Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định.
Trường hợp sinh viên có nguyện vọng đăng ký học ít hơn số tín chỉ tối thiểu trong một học kỳ phải được sự đồng ý của Thủ trưởng đơn vị đào tạo.
b) Đối với học kỳ phụ: Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định.
2. Đăng ký môn học
a) Việc tổ chức đăng ký học các môn học trong chương trình đào tạo do thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể của đơn vị mình. Sinh viên được đăng ký học và thi các môn học trong chương trình đào tạo do bất kỳ một đơn vị đào tạo nào thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức giảng dạy. Kết quả các môn học này được chuyển đổi và được thừa nhận ở tất cả các đơn vị đào tạo trong Đại học Quốc gia Hà Nội;
b) Các đơn vị đào tạo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và trên trang web của đơn vị và của Đại học Quốc gia Hà Nội kế hoạch giảng dạy, thời khóa biểu của các môn học trước thời gian đăng ký học để sinh viên trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội biết, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh viên của đơn vị khác đăng ký môn học, chuyển dữ liệu đăng ký môn học, dữ liệu điểm môn học của sinh viên tới đơn vị đào tạo quản lý sinh viên ngay sau khi kết thúc thời gian đăng ký học và kết thúc việc chấm thi;
c) Tất cả các đơn vị đào tạo sử dụng thống nhất trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý đào tạo, quản lý người học;
d) Khi đăng ký học các môn học tự chọn, sinh viên phải xác định rõ môn học tự chọn có điều kiện hay môn học tự chọn tự do. Những môn học tự chọn tự do đạt điểm D trở lên được ghi trong bảng điểm nhưng không tính vào điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy.
          3. Thời gian đăng ký môn học
a) Trước khi bắt đầu mỗi học kỳ, tùy theo khả năng và điều kiện học tập, sinh viên tham khảo ý kiến tư vấn của cố vấn học tập để đăng ký các môn học dự định sẽ học trong học kỳ đó;
b) Chậm nhất 1 tháng trước khi bắt đầu mỗi học kỳ, sinh viên phải hoàn thành đăng ký các môn học;
c) Trong 2 tuần đầu của học kỳ chính hoặc trong 1 tuần đầu của học kỳ phụ, sinh viên được phép đăng ký những môn học muốn học thêm hoặc đăng ký đổi sang lớp môn học khác.
4. Đăng ký học lại
a) Đối với các môn học bắt buộc, nếu bị điểm F, sinh viên phải đăng ký học lại môn học đó;
b) Đối với môn học tự chọn có điều kiện, nếu bị điểm F, sinh viên đăng ký học lại môn học đó hoặc đăng ký học môn học tự chọn khác cùng khối kiến thức để thay thế.
5. Đăng ký học cải thiện điểm
Đối với các môn học đạt điểm D trở lên, sinh viên được đăng ký học lại môn học đó hoặc học đổi sang môn học khác (nếu là môn học tự chọn có điều kiện) để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy. Điểm môn học cũ bị hủy bỏ khi việc đăng ký học lại để cải thiện điểm được chấp nhận và sẽ được thay bằng điểm môn học để cải thiện điểm. Sinh viên chỉ được đăng ký học cải thiện điểm một lần cho mỗi môn học.
6. Môn học được bảo lưu, môn học tương đương
Các môn học có cùng nội dung, thời lượng mà sinh viên chuyển trường trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, sinh viên học văn bằng thứ hai, đi học một học kỳ hoặc một năm tại trường đại học nước ngoài có uy tín đã tích lũy sẽ được tất cả các đơn vị đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thừa nhận. Các môn học khác, căn cứ chương trình đào tạo và nội dung đào tạo thủ trưởng đơn vị đào tạo quyết định bảo lưu hoặc tương đương và báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội. Điểm và số tín chỉ của các môn học được bảo lưu hoặc tương đương được công nhận và chuyển đổi để lập hồ sơ sinh viên trước khi bắt đầu thực hiện kế hoạch học tập theo chương trình đào tạo mới. Trong thời hạn đăng ký môn học, sinh viên không phải đăng ký môn học được bảo lưu hoặc tương đương, chỉ cần đăng ký những môn học không được bảo lưu trong chương trình đào tạo.
7. Kết quả đăng ký môn học
Đơn vị đào tạo thông báo kết quả đăng ký môn họccho sinh viên khi sinh viên đã hoàn thành việc đăng ký đảm bảo khối lượng học tập tối thiểu của học kỳ quy định tại khoản 1, Điều 28 của Quy chế này. Kết quả đăng ký bao gồm số môn học trong học kỳ; tên, số tín chỉ, tên lớp môn học, tiết học, phòng học của từng môn học; số tiền học phí phải nộp và xác nhận những môn học được bảo lưu, tương đương (nếu có).
Kết quả đăng ký môn học chỉ được chấp nhận sau khi sinh viên hoàn thành nộp học phí. 
 
8. Đăng ký nhận đề tài khoá luận hoặc đồ án tốt nghiệp
a) Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định:
-Điều kiện được đăng ký, hình thức và thời gian làm khoá luận hoặc đồ ántốt nghiệp;
- Số lượng khóa luận, đồ ántốt nghiệp tối đa do một giảng viên hướng dẫn trong cùng một thời gian;
- Nhiệm vụ của cán bộ hướng dẫn, trách nhiệm của bộ môn đối với sinh viên trong thời gian làm khóa luận, đồ ántốt nghiệp;
- Hình thức, quy trình chấm khoá luận, đồ ántốt nghiệp.
b) Chủ nhiệm khoa (hoặc chủ nhiệm khoa trực thuộc) phân công cán bộ hướng dẫn khóa luận, đồ án tốt nghiệp theo đề nghị của chủ nhiệm bộ môn. Đề tài khóa luận, đồ án tốt nghiệp do cán bộ hướng dẫn xác định, đăng ký và thông qua ở bộ môn. Những đề tài có tính chất liên chuyên ngành phải được chủ nhiệm khoa (hoặc chủ nhiệm khoa trực thuộc) thông qua trước khi giao cho sinh viên thực hiện;
c) Sinh viên đăng ký nhận đề tài khóa luận hoặc đồ án tốt nghiệp được tiến hành theo quy trình như đăng ký những môn học khác;
d) Sinh viên không đủ điều kiện làm khóa luận hoặc đồ án tốt nghiệp sẽ đăng ký học các môn học thay thế do thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định. Các môn học thay thế cho khóa luận hoặc đồ án tốt nghiệp được tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá như các môn học khác.
Điều 29. Rút bớt môn học đã đăng ký
1. Việc rút bớt môn học áp dụng cho các trường hợp:
a) Theo nhu cầu và khả năng lựa chọn của sinh viên;
b) Trường hợp hạng học lực của sinh viên được xác định vào thời điểm sau khi sinh viên đã đăng ký môn học, sinh viên phải rút bớt môn học trong giới hạn khối lượng quy định;
c) Trường hợp điểm trung bình chung học kỳ dưới 2,00 nhưng chưa thuộc diện bị buộc thôi học hay tạm dừng học tập, sinh viên bắt buộc phải rút bớt môn học trong khối lượng học tập đã đăng ký nhưng không được thấp hơn 10 tín chỉ trong học kỳ. Những môn học rút bớt được trả lại học phí.  
2. Việc rút bớt môn học trong khối lượng học tập đã đăng ký theo nhu cầu và khả năng lựa chọn của sinh viên chỉ được chấp nhận chậm nhất 4 tuần kể từ đầu học kỳ chính, 2 tuần kể từ đầu học kỳ phụ và được trả lại học phí. Ngoài thời hạn trên, môn học vẫn được giữ nguyên trong phiếu đăng ký học, nếu sinh viên không học sẽ phải nhận điểm F và không được trả lại học phí.
3. Điều kiện rút bớt các môn học đã đăng ký:
a) Sinh viên phải tự viết đơn gửi phòng đào tạo;
b) Được Thủ trưởng đơn vị đào tạo chấp nhận;
c) Không vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 28 của Quy chế này.
Sinh viên chỉ được phép không lên lớp đối với môn học xin rút bớt sau khi giảng viên phụ trách môn học nhận được giấy báo của phòng đào tạo.
 Điều 30.Miễn và tạm hoãn học các môn học giáo dục quốc phòng - an ninh, giáo dục thể chất
1. Miễn, tạm hoãn học các môn học giáo dục quốc phòng - an ninh
a) Đối tượng được miễn học toàn bộ chương trình
- Sinh viên có bằng tốt nghiệp sĩ quan quân đội;
- Sinh viên là người nước ngoài;
- Sinh viên đào tạo đại học văn bằng thứ 2 đã có chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh do cơ sở giáo dục đại học cấp. 
b) Đối tượng được miễn học và miễn thi các nội dung đã học
- Sinh viên chuyển cơ sở đào tạo được miễn học các nội dung đã học nhưng phải có điểm đánh giá kết quả học tập các nội dung tương ứng;
- Sinh viên đã có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng được miễn học và miễn thi các nội dung đã học.
c) Đối tượng được miễn học các nội dung thực hành kỹ năng quân sự
- Sinh viên là tu sỹ thuộc các tôn giáo;
- Sinh viên có thương tật, khuyết tật bẩm sinh, bị bệnh mãn tính làm hạn chế chức năng vận động có giấy chứng nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên;
- Sinh viên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự được miễn học nội dung thực hành kỹ năng quân sự nhưng phải dự kiểm tra, thi đủ nội dung theo quy định.
d) Đối tượng được tạm hoãn học
- Sinh viên bị ốm đau, tai nạn, thiên tai, hỏa hoạn;
- Nữ sinh viên đang mang thai hoặc có con nhỏ dưới 24 tháng tuổi;
Các đối tượng trên nếu được thủ trưởng đơn vị đào tạo chấp thuận cho tạm hoãn học các môn học giáo dục quốc phòng - an ninh thì sau khi hết thời hạn tạm hoãn phải tiếp tục học những nội dung còn thiếu theo quy định.
2. Miễn, tạm hoãn học các môn học giáo dục thể chất
          a) Đối tượng được miễn học toàn bộ các môn học giáo dục thể chất
          Sinh viên đã hoàn thành các môn học giáo dục thể chất phù hợp với trình độ đào tạo.
b) Đối tượng được miễn học các nội dung thực hành
Sinh viên có thương tật, dị tật bẩm sinh làm hạn chế chức năng vận động (có giấy chứng nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) được miễn học các nội dung thực hành hoặc có thể lựa chọn các môn học giáo dục thể chất đặc thù dành cho người khuyết tật.
          c) Đối tượng được tạm hoãn học các môn học giáo dục thể chất
          - Sinh viên đang học nhưng sức khỏe không đảm bảo;
          - Sinh viên đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi.
Các đối tượng trên nếu được thủ trưởng đơn vị đào tạo chấp thuận cho tạm hoãn học các môn học về giáo dục thể chất thì sau khi hết thời hạn tạm hoãn phải tiếp tục học những nội dung còn thiếu trong chương trình quy định.
          Điều 31. Đào tạo văn bằng thứ hai
Đào tạo văn bằng thứ hai theo hình thức chính quy dành cho người đã có bằng đại học chính quy. Đào tạo văn bằng thứ hai theo hình thức vừa làm vừa học dành cho người đã có bằng đại học chính quy hoặc bằng đại học vừa làm vừa học.
Chương trình đào tạo văn bằng thứ hai được xác định cho người học theo nguyên tắc: người học được bảo lưu kết quả học tập đối với những môn học trong chương trình đào tạo ngành học thứ nhất có từ 80% trở lên nội dung trùng với nội dung môn học trong chương trình đào tạo của ngành học mới và điểm môn học đạt từ điểm D trở lên; những môn học có nội dung trùng từ 50% đến cận 80% thì không được bảo lưu kết quả học tập nhưng có thể tự học và dự thi để lấy điểm; những môn học chưa học hoặc có nội dung trùng dưới 50% thì người học phải dự học mới được dự thi theo quy định chung.
Căn cứ kết quả học tập trên bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp đại học thứ nhất, thủ trưởng đơn vị đào tạo quyết định việc bảo lưu kết quả học tập, khối lượng kiến thức, các môn học và nội dung phải học bổ sung đối với từng sinh viên.
          Điều 32. Đào tạo bằng kép (học đồng thời hai chương trình đào tạo)
1. Sinh viên đang học tập tại các đơn vị đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội được đăng ký học bằng kép nếu có đủ các điều kiện sau:
a) Đang học từ học kỳ thứ ba đến học kỳ thứ bảy chương trình đào tạo thứ nhất của chương trình đào tạo bằng kép;
b) Điểm trung bình chung học kỳ tính đến thời điểm đăng ký học bằng kép đạt từ 2,00 trở lên;
c) Sinh viên có đơn xin học bằng kép và tự nguyện đóng kinh phí đào tạo theo quy định của đơn vị đào tạo;
d) Được Thủ trưởng đơn vị đào tạo quản lý sinh viên đồng ý.
2. Sinh viên đang học tại một trường đại học công lập trên địa bàn Hà Nội được đăng ký học bằng kép ở Đại học Quốc gia Hà Nội nếu có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 32 (trừ mục b) của Quy chế này và có thêm các điều kiện sau:
a) Kết quả thi tuyển sinh đại học chính quy phải đạt điểm trúng tuyển cùng khối thi, cùng năm tuyển sinh với ngành học xin đăng ký học;
b) Điểm trung bình chung học kỳ tính đến thời điểm đăng ký học bằng képđạt từ 2,50 trở lên.
3. Căn cứ chỉ tiêu đào tạo bằng kép đã được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giao hàng năm, Thủ trưởng đơn vị đào tạo tổ chức thi tuyển sinh theo quy định tại mục c, khoản 1, Điều 18 của Quy chế này và ký quyết định công nhận trúng tuyển cho sinh viên được học bằng kép.
 4. Sinh viên phải dừng học chương trình đào tạo thứ hai ở học kỳ tiếp theo nếu kết thúc học kỳ đó bị xếp loại học lực yếu đối với một trong hai chương trình đào tạo.
5. Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình đào tạo thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp chương trình đào tạo thứ nhất.
          Điều 33. Chuyển đổi sinh viên giữa các chương trình đào tạo
1. Chuyển đổi sinh viên học chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao sang học chương trình đào tạo chuẩn chính quy của ngành học tương ứng.
a) Sinh viên học chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao chưa bị buộc thôi học phải chuyển sang học chương trình đào tạo chuẩn chính quy của ngành học tương ứng nếu vi phạm một trong các trường hợp sau: 
- Có một môn học nâng cao, bổ sung đạt dưới điểm D;
- Có điểm trung bình chung học kỳ tính đến thời điểm xét đạt dưới 2,50;
- Đã bị kỷ luật trong thời gian học từ mức khiển trách trở lên.
b) Khi chuyển sang học chương trình đào tạo chuẩn chính quy, các môn học nâng cao, bổ sung được chuyển đổi như sau:
- Đối với môn học nâng cao, điểm môn học được giữ nguyên, số tín chỉ được quy đổi theo chương trình đào tạo chuẩn;
- Đối với môn học bổ sung, Thủ trưởng đơn vị đào tạo xem xét cho phép thay thế bằng môn học khác trong chương trình đào tạo chuẩn hoặc coi đó là môn học tự chọn tự do.
2. Sinh viên học chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế thuộc diện chưa bị buộc thôi học, nếu vi phạm một trong các trường hợp dưới đây sẽ được xem xét chuyển sang học chương trình đào tạo chuẩn chính quy của ngành học khác nếu kết quả thi đại học bằng hoặc lớn hơn điểm chuẩn của ngành học đó ở cùng năm tuyển sinh và cùng khối thi:
a) Có điểm trung bình chung học kỳ tính đến thời điểm xét đạt dưới 2,50;
b) Đã bị kỷ luật trong thời gian học từ mức khiển trách trở lên.
Cách thức chuyển ngành học và chuyển kết quả học tập cho các sinh viên này do Thủ trưởng đơn vị đào tạo quyết định.
3. Không chuyển đổi sinh viên đang học chương trình đào tạo liên kết quốc tế sang học chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Không xét tuyển bổ sung sinh viên vào học chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế khi khóa học đã chính thức bắt đầu. Trường hợp đặc biệt do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định.
4. Bổ sung sinh viên học chương trình đào tạo chuẩn chính quy vào học chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao tương ứng.
a) Căn cứ chỉ tiêu đào tạo đã công bố, Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định phương thức xét tuyển bổ sung sinh viên vào học chương trình đào tạo tài năng. Chỉ xét tuyển bổ sung vào học kỳ 1 năm thứ hai những sinh viên có đủ các điều kiện sau:
- Tư cách đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt;
- Ngành học phù hợp;
          - Điểm trung bình chung học kỳ tính đến thời điểm xét đạt từ 3,20 trở lên hoặc điểm trung bình chung học kỳ tính đến thời điểm xét đạt từ 3,00 trở lên, trong đó điểm tiếng Anh đạt chuẩn C1;
- Điểm các môn học tương ứng với môn học nâng cao trong chương trình đào tạo tài năng phải đạt từ B trở lên.
b) Căn cứ chỉ tiêu đào tạo đã công bố, Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định phương thức xét tuyển bổ sung sinh viên vào học chương trình đào tạo chất lượng cao. Chỉ xét tuyển bổ sung vào học kỳ 1 năm thứ hai những sinh viên có đủ các điều kiện sau:
- Tư cách đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt;
- Ngành học phù hợp;
          - Điểm trung bình chung học kỳ tính đến thời điểm xét đạt từ 3,20 trở lên hoặc điểm trung bình chung học tập tính đến thời điểm xét đạt từ 3,00 trở lên, trong đó điểm tiếng Anh đạt chuẩn B2.
          c) Đối với việc chuyển đổi điểm môn học trong chương trình đào tạo chuẩn sang điểm môn học nâng cao tương ứng, Thủ trưởng đơn vị đào tạo xem xét công nhận tương đương hoặc yêu cầu học bổ sung kiến thức.
          Điều 34.Chuyển trường
           1. Sinh viên được chuyển đi học tại cơ sở đào tạo đại học khác ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội khi được sự đồng ý của Thủ trưởng đơn vị đào tạo.
           2. Sinh viên đang học tại một trường đại học công lập ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội được chuyển về học tại Đại học Quốc gia Hà Nội nếu có đủ các điều kiện sau:
a) Sinh viên có nguyện vọng chuyển về học tại Đại học Quốc gia Hà Nội;
b) Kết quả thi tuyển sinh đại học chính quy đạt điểm trúng tuyển cùng khối thi, cùng năm tuyển sinh với ngành học xin chuyển đến;
c) Có đủ sức khỏe để học tập;
d) Có tư cách đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
e) Không thuộc diện bị buộc thôi học và có điểm trung bình chung tích lũy đạt từ 2,50 trở lên;
f) Được sự đồng ý của Hiệu trưởng trường đại học xin chuyển đi;
g) Tham dự kiểm tra kiến thức và đạt điểm theo quy định của đơn vị đào tạo tiếp nhận.
3. Các trường hợp đặc cách chuyển về học tại Đại học Quốc gia Hà Nội
a) Sinh viên đã từng là thành viên đội tuyển quốc gia tham dự kỳ thi Olympic quốc tế hoặc đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 về môn học phù hợp với ngành học và có đủ các điều kiện quy định tại các mục c, d, f, g, khoản 2, Điều 34 của Quy chế này;
b) Sinh viên các trường đại học công lập có điểm trung bình chung học kỳ của những học kỳ trước đạt từ 3,20 trở lên, có thành tích tốt trong nghiên cứu khoa học và có đủ các điều kiện quy định tại các mục b, c, d, f, g, khoản 2, Điều 34 của Quy chế này.
4. Sinh viên là người nước ngoài hoặc sinh viên Việt Nam đang học tại một cơ sở đào tạo đại học ở nước ngoài đã được kiểm định chất lượng và có uy tín có thể được xét để chuyển về học tại Đại học Quốc gia Hà Nội khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 (trừ mục b), Điều 34 của Quy chế này và phải nộp đầy đủ hồ sơ sinh viên (bản chính) khi làm thủ tục chuyển trường.
Các điều kiện về trình độ tiếng Việt hoặc ngoại ngữ liên quan áp dụng quy định tại mục b, khoản 2, Điều 20 của Quy chế này.
Sinh viên chuyển trường được bảo lưu điểm và số tín chỉ của môn học theo quy định tại khoản 6, Điều 28 và được miễn học, miễn thi các môn học giáo dục quốc phòng - an ninh, giáo dục thể chất theo quy định tại Điều 30 của Quy chế này.
5. Sinh viên của trường đại học nước ngoài tham gia chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc thực tập sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi trực tiếp đến Đại học Quốc gia Hà Nội, khi hoàn thành chương trình sẽ được cấp chứng nhận về điểm và số tín chỉ của các môn học đã đạt được trong thời gian học tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
 6. Sinh viên không được xem xét chuyển về học tại Đại học Quốc gia Hà Nội nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
            a) Đang là sinh viên năm thứ nhất hoặcnăm cuối của khóa học;
b) Đang chịu mức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên;
            c) Không có đủ các điều kiện được quy định tại các khoản 2, 3, 4, Điều 34 của Quy chế này.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :