18:31:12 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Mỗi công trình khoa học là niềm vui trên con đường nghiên cứu
Với những thành tích trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, giảng viên trẻ, TS. Lê Hoàng Quỳnh - Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN là 1 trong 10 cá nhân đạt Giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2021.

Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân chị nói riêng và cộng đồng nghiên cứu khoa học nói chung?

Giải thưởng có ý nghĩa vô cùng to lớn cho các nhà khoa học trẻ. Đây không chỉ là một giải thưởng, một vinh dự mà còn thể hiện sự ghi nhận của Trung ương Đoàn thanh niên và Bộ Khoa học và công nghệ cho những nỗ lực và kết quả nghiên cứu của tôi cùng với nhóm nghiên cứu. Hơn thế nữa, giải thưởng còn thể hiện thông điệp về niềm tin, sự kỳ vọng đến những người làm khoa học trẻ của các cấp lãnh đạo và nhà nước. Trong quãng đường sau này, chắc chắn giải thưởng sẽ là sự nhắc nhở tôi cần phải nỗ lực hơn nữa để chinh phục những thử thách khoa học cao hơn, xứng đáng với vinh dự mà mình đã được nhận.

Từ những ngày đầu theo dõi danh sách đề cử, tôi thấy top 20 của năm nay đều là những nhà khoa học có thành tích khoa học công nghệ rất “khủng”. Vì vậy, tôi khá bất ngờ khi biết bản thân là 1 trong 10 cá nhân được vinh danh với giải thưởng Quả cầu vàng năm 2021. Sau đó là cảm giác tự hào khi nhận được giải thưởng danh giá này. Điều đó cho thấy những nỗ lực của bản thân đã được ghi nhận, đồng thời là sự tin tưởng, động viên và hỗ trợ của gia đình, lãnh đạo, đồng nghiệp, bạn bè dành cho mình đã gặt hái được kết quả xứng đáng.

Bí quyết nào giúp chị vừa nuôi dưỡng đam mê đối với nghiên cứu khoa học, đồng thời cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc?

Tôi đến với nghiên cứu khoa học thực sự như một cái “duyên”. Từ thời sinh viên, tôi vốn không phải là một nhân tố nổi bật giữa một rừng “anh tài” của Trường ĐH Công nghệ với nhiều giải quốc gia, quốc tế từ thời cấp III đến đại học. Lần đầu tham gia nghiên cứu khoa học là tại hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học do Nhà trường tổ chức. Nhưng sau quá trình nghiên cứu, tôi dần dần nhận ra, mỗi cá nhân lại có những thế mạnh khác nhau. Việc nghiên cứu khoa học không chỉ cần nền tảng kiến thức tốt, mà còn cần liên tục tiếp thu những kiến thức cập nhật và quan trọng là sự sáng tạo của chính bản thân để mở ra những con đường mới. Từ đó đến nay, mỗi một sự thành công trong nghiên cứu khoa học, mỗi một công bố quốc tế đã mang lại cho tôi một niềm vui nho nhỏ khi những nỗ lực và cố gắng của mình được ghi nhận.

Đối với tôi, công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học hay chăm sóc gia đình chưa bao giờ là gánh nặng hay áp lực. Tuy nhiên, việc cân đối giữa giảng dạy - học tập - nghiên cứu - xã hội và gia đình đã trở thành một bài toán tối ưu phức tạp hơn. Tôi cố gắng để có thể quản lý thời gian một cách khoa học hơn, chia nhỏ các khoảng thời gian trong ngày để làm các công việc khác nhau. Từ đó, có thể đảm bảo hoàn thành các công việc đúng thời gian, giảm áp lực cho bản thân, đồng thời có thời gian dành cho gia đình và những sở thích cá nhân khác.

Bước ngoặt nào đã giúp chị trưởng thành hơn và vượt qua những khó khăn trên con đường nghiên cứu?

Năm 2015 là lần đầu tiên tôi có một công bố trên tạp chí ISI Q1 (tạp chí Database của nhà xuất bản Oxford) với vai trò tác giả chính. Mặc dù đây không phải là công bố khoa học đầu tiên, cũng không phải lần đầu tiên tôi có bài ISI Q1, nhưng lại là công bố đầu tiên mà tôi là tác giả chính, được giáo sư yêu cầu chủ động từ bước lên ý tưởng, thực nghiệm đến bản thảo. Khi được định hướng công bố tại một tạp chí ISI Q1 có chất lượng, thật sự là cách tiếp cận vấn đề, định hướng giải quyết khác rất nhiều, và khối lượng công việc cũng lớn hơn nhiều so với những nghiên cứu ở mức độ trung bình. Tôi luôn coi đó là cột mốc quan trọng, đánh dấu một bước trưởng thành của bản thân trong quá trình nghiên cứu, tạo cho tôi một bước tiến vững chắc và kinh nghiệm cũng như sự tự tin trong những nghiên cứu sau này.

Điều khó khăn nhất trong con đường nghiên cứu chính là vượt qua được những giai đoạn bế tắc về ý tưởng. Đặc biệt, đối với lĩnh vực công nghệ thông tin mà tôi đang theo đuổi, mang tính chất cạnh tranh rất cao về cả số lượng nghiên cứu, cũng như công trình khoa học được công bố. Vì vậy, để tìm ra một ý tưởng nghiên cứu thú vị, có tính mới mẻ, có bản sắc và được cộng đồng nghiên cứu thừa nhận thực sự không phải là chuyện đơn giản.

Hơn thế nữa, khoa học không phải là một con đường thẳng trải đầy hoa hồng, bởi vì ý tưởng và thực nghiệm hoàn toàn khác xa nhau. Chưa kể, đôi khi tôi còn bị ảnh hưởng bởi thời gian dành cho gia đình và công tác xã hội khác, nên những áp lực về thời gian và tiến độ có lẽ còn trở nên nặng nề hơn. Để nuôi dưỡng được đam mê khoa học, vượt qua được những cột mốc khó khăn trong con đường nghiên cứu, không có gì ngoài tinh thần học hỏi, không ngại khó, không ngại rút kinh nghiệm và luôn coi mỗi thất bại là một bài học quan trọng. Sự kiên nhẫn và bình tĩnh chắc chắn sẽ là liều thuốc tốt nhất để lấy động lực đi tiếp sau mỗi lần gặp trở ngại.

Thời gian tới, chị có những định hướng như thế nào đối với nghiên cứu khoa học và giảng dạy?

Về giảng dạy, tôi có mong muốn định hướng cho các sinh viên tiếp cận sớm hơn với nghiên cứu khoa học. Điều này không chỉ có ích cho các em trong việc tiếp cận tri thức, sớm có các thành tích về công bố khoa học, mà còn giúp các em hoàn thiện các kỹ năng mềm, khả năng tự học. Nếu được định hướng và thử sức với nghiên cứu khoa học sớm hơn, các em sẽ hiểu rõ hơn về sự khác biệt của các hướng đi khác nhau, từ đó lựa chọn con đường phù hợp với bản thân.

Về nghiên cứu, hiện tôi vẫn đang thực hiện song song hai hướng nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, về xử lý ngôn ngữ tự nhiên trong văn bản y sinh học và khai phá dữ liệu kinh doanh. Đối với hai hướng nghiên cứu này, ngoài việc tiếp tục hoàn thành những nghiên cứu còn đang dang dở, tôi đang bước đầu đưa các nghiên cứu xử lý ngôn ngữ tự nhiên trong văn bản y sinh học về với tiếng Việt và cố gắng để các nghiên cứu về khai phá dữ liệu kinh doanh không chỉ nằm ở các phần mềm ứng dụng mà còn có thể có các công bố quốc tế tốt.

Cảm ơn TS. về cuộc trò chuyện.

 Tuyết Nga - Bản tin ĐHQGHN số 361
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC