Đô thị Hòa Lạc 10:11:14 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Alo! Tôi là Ngụy Kontum
Đây là câu đầu tiên tôi được nghe trong lần đầu tiếp kiến Thày đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh về thái độ giản dị, thân mật và chân tình của Thày, đồng thời cũng khiến tôi hơi ngạc nhiên, vì, không hiểu vô tình hay hữu ý, mà Thày đã không nhắc đến chữ đệm „Như“ khi tự giới thiệu. Sau này, trong vài lần trao đổi với Thày về công việc, trong phòng làm việc của Thày, chợt có chuông điện thoại, Thày vừa nói xin lỗi vừa nhấc máy, tôi lại đã nghe thấy giọng nói vui vẻ của Thày với câu nói trên, hoặc có khi hơi khác một chút: „Alô, Ngụy Kontum đây!“ Tôi đóan rằng hai câu hơi khác nhau tùy theo mức độ thân mật của nhân vật đối thoại với Thày. Và tôi nhớ, không lần nào nghe thấy Thày nhắc đến chữ „Như“ cả. Tuy tò mò, tôi cũng không dám hỏi Thày, và cũng chẳng trao đổi với ai, chỉ cho là Thày thấy chữ „Kontum“ đã sẵn hai âm tiết, thêm chứ họ „Ngụy“ là đủ ba âm tiết như danh tính của đại đa số người Việt rồi, nên bớt đi chữ đệm không quan trọng, cho giống mọi người. Khi định viết bài này, tôi có kể với anh Ngụy Hữu Tâm, con trai lớn của Thày, được anh cho biết là Thày vốn không thích chữ „Như“ đó từ lâu, nhưng không dám chính thức xin đổi trên các giấy tờ, mà chỉ không nhắc đến, khi tự giới thiệu thôi. Theo anh Tâm, chính vì thế, nên khi đặt tên cho anh và em trai anh, Thày dứt khóat thay „Như“ bằng „Hữu“.
Là một trí thức lớn, liên tục đảm nhiệm nhiều công tác, vừa về chuyên môn, vừa về chính trị, xã hội, Thày vẫn chăm đọc sách và tận dụng lúc rỗi rài để dịch sách; trong các đợt học chính trị, được may mắn ở cùng tổ với Thày, tôi thấy Thày nghiên cứu tài liệu rất chăm chỉ, tích cực tham gia thảo luận và viết thu hoạch rất nghiêm túc. Đặc biệt, từ ngày Thày ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) về công tác ở Thủ đô, hầu như Thày không bỏ buổi tập thể dục nào. Thày còn kể, hồi ở Pháp, , hễ được nghỉ lễ là Thầy tổ chức đi cắm trại bằng xe đạp với các bạn. Thày cũng chẳng ngại lao động chân tay, không nề hà cầm chổi tự quét phòng của Thày. Có một lần cùng đi lao động với các thày trong trường, lúc nghỉ giải lao, thày Nguyễn Văn Chiển, bấy giờ là tổ trưởng bộ môn địa chất và thày Đào Văn Tiến, bấy giờ là tổ trưởng bộ môn Sinh vật, hai vị cùng tham gia Cải Cách Ruộng Đất với Thày, kể rằng anh em bần cố nông cứ thắc mắc Thày thuộc thành phần gì mà lao động chẳng thua gì họ? Thày chỉ cười khiêm tốn, không nói gì.
Gần cuối năm 1958, Trường Đại học Tổng hợp cùng một số trường đại học khác, như Bách Khoa, Nông Lâm, Giao Thông... được thành lập, Thày được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp. Đất nước lúc đó còn nghèo, tuy là hiệu trưởng trường đại học có danh tiếng, mấy lần được đón nguyên thủ các nước lớn, nhưng Thày vẫn đạp xe đi làm hàng ngày. Mấy năm sau, trong một buổi làm việc của Tổ Danh từ Vật lý, Thày khoe, mới được cấp một ô tô Mát-xcơ-vich, loại xe nhỏ, 4 chỗ, có người lái riêng. Có người lái, nhưng „Trên“ – Thày nói – vẫn khuyến khích chúng tôi học lái để khi cần có thể lái lấy. Thế là tôi lại được học lái ô tô!“ Như bản tính của Thày, Thày học chăm lắm và nhanh chóng được cấp bằng lái. Chúng tôi chúc mừng Thày và đùa: „Hôm nào rảnh Thày khao chúng em một chầu đi vòng quanh Hồ Tây, Thày nhé!“
Với tôi, mỗi khi tưởng nhớ tới Thày, tôi lại thấy như hiện lên trước mắt vẻ mặt nhân hậu của Thày, cùng mái tóc bạc trắng, nụ cười thân mật không chút giả tạo, cùng câu tự giới thiệu đơn giản: „Tôi là Ngụy Kontum đây“.                          
*) Xin xem bài „Nhớ lại những ngày làm việc và tâm tình với Thày Ngụy Như Kontum“ của N. Q. Quýnh, đăng trong Tạp chí „Vật Lý Ngày Nay“ số 2 (55), tháng 4 - 2002
 TSKH. Ngô Quốc Quýnh - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC