Hình ảnh 02:51:27 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Giải thưởng Bảo Sơn: Nơi hội tụ những hoài bão khoa học
Trung tuần tháng 4/2013, Lễ trao Giải thưởng Bảo Sơn năm 2012 đã diễn ra với 2 công trình được vinh danh (1 thuộc lĩnh vực phát triển bền vững, 1 thuộc lĩnh vực y - dược học). Đây là năm thứ 2 Giải thưởng Bảo Sơn được tổ chức xét trao cho những công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn và đóng góp cho xã hội.
Giải thưởng Bảo Sơn được trích từ Quỹ Bảo Sơn (do Tập đoàn Bảo Sơn bảo trợ) nhằm tôn vinh những cá nhân, tập thể có những công trình khoa học cống hiến cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, giáo dục đào tạo, y - dược học và văn học - nghệ thuật.
Chia sẻ về ý nghĩa giải thưởng, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, Chủ tịch Quỹ Bảo Sơn cho biết: “Quỹ Bảo Sơn ban đầu dùng để hỗ trợ giáo dục đào tạo, mục tiêu hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó của Việt Nam, hỗ trợ sinh viên nghèo sang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản, hỗ trợ giảng viên Nhật Bản sang Việt Nam giảng dạy. Để phát triển, mở rộng quy mô và mang lại những ý nghĩa thiết thực hơn nữa, Quỹ Bảo Sơn đã tổ chức trao Giải thưởng Bảo Sơn cho các công trình khoa học xuất sắc có giá trị khoa học và thực tiễn, mang tính ứng dụng cao. Mong muốn của chúng tôi khi thực hiện giải thưởng này là góp phần khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sáng tạo ra các công trình khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, các công trình nghiên cứu phục vụ bảo vệ sức khỏe con người, các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa giáo dục, khuyến khích con người phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng.”
Tập đoàn Bảo Sơn ủy nhiệm cho Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN làm cơ quan thường trực giải từ năm 2010 - 2015. “Chúng tôi mời Trường Đại học Kinh tế làm cơ quan thường trực của Giải thưởng Bảo Sơn bởi đây là một đơn vị có những nhà khoa học tâm huyết với sự nghiệp giáo dục - đào tạo và phát triển nghiên cứu. Thêm vào đó, trường có mối quan hệ sâu rộng với các cơ quan, chuyên gia uy tín trong lĩnh vực phát triển kinh tế của đất nước. Đây cũng là một trong những hoạt động của tập đoàn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về kết hợp giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo” - ông Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Với thế mạnh là một trường đại học định hướng nghiên cứu gắn với thực tiễn, với lợi thế là một đơn vị thành viên của ĐHQGHN, có một mạng lưới các nhà khoa học rộng khắp cả trong và ngoài nước, cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội các doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã đồng hành cùng Giải thưởng Bảo Sơn từ những ngày đầu tiên, đảm bảo cho giải thưởng được trao cho những công trình xứng đáng.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết: “Đóng vai trò là cơ quan thường trực, Trường Đại học Kinh tế đã tư vấn cho Tập đoàn Bảo Sơn xây dựng bộ tiêu chí Giải thưởng Bảo Sơn kêu gọi các nhà khoa học tham gia. Trường cũng phối hợp với Tập đoàn Bảo Sơn thực hiện các hoạt động truyền thông cho giải thưởng như: họp báo công bố và phát động giải thưởng hàng năm; làm việc với bộ ngành liên quan, các viện nghiên cứu, các trường đại học để truyền tải thông tin về Giải thưởng đến các nhà khoa học.”
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là đơn vị thực hiện công tác nhận hồ sơ, tư vấn cho Tập đoàn Bảo Sơn thành lập các hội đồng sơ khảo và hội đồng chung khảo, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu các nhà khoa học hàng đầu về các lĩnh vực được lựa chọn để cùng tham gia vào hội đồng xét giải. Từ đó, Ban tổ chức sẽ chọn ra được những công trình thực sự chất lượng, đáp ứng các tiêu chí của Giải thưởng Bảo Sơn để trao. Chính vì thế, Bảo Sơn là giải thưởng được cộng đồng khoa học đánh giá cao không chỉ bởi tính nghiêm túc mà còn bởi tầm nhìn vươn tới các giá trị bền vững và lợi ích cộng đồng. Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng phối hợp với Tập đoàn Bảo Sơn tổ chức lễ trao giải và các hoạt động sau trao giải.
“Bảo Sơn là một giải thưởng có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các nhà nghiên cứu cũng như cơ sở nghiên cứu; hay còn gọi đó là kết hợp giữa 3 “nhà”: Nhà doanh nghiệp - Nhà nghiên cứu - Nhà trường” - PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh. Năm 2012, Giải thưởng Bảo Sơn đã xét thưởng cho 5 lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; Xóa đói giảm nghèo; Y - Dược học; Phát triển bền vững và Văn học nghệ thuật. Trong năm này, vượt qua hơn 30 công trình tham dự, 2 công trình xuất sắc đã nhận được Giải thưởng Bảo Sơn là “Chuỗi Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam các năm 2009, 2010, 2011, 2012” của nhóm tác giả do TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN làm chủ biên (thuộc lĩnh vực phát triển bền vững); và “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác người” của nhóm tác giả do PGS.TS Đỗ Doãn Lợi (Đại học Y Hà Nội) - làm trưởng nhóm (thuộc lĩnh vực Y - Dược học).
Theo Quy định của Ban tổ chức giải, mỗi năm giá trị giải thưởng sẽ tăng thêm 10.000 USD/giải; ước tính đến năm 2117, mỗi giải sẽ đạt trị giá 1 triệu USD và được duy trì cho các năm tiếp theo.
PGS.TS Nguyễn Thị Bình - thành viên nhóm thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác người” – một trong hai đề tài nhận Giải thưởng Bảo Sơn năm 2012 khẳng định: “Hầu như các đề tài nghiên cứu khoa học chúng tôi đều sử dụng kinh phí do nhà nước đầu tư, tuy nhiên nguồn kinh phí này là khá hạn hẹp, vì thế nếu được các “Mạnh Thường Quân” đầu tư cho các nghiên cứu của chúng tôi có lẽ tốc độ nghiên cứu sẽ nhanh hơn và người bệnh sẽ nhanh chóng được tiếp cận với các phương pháp điều trị mới có hiệu quả hơn.”
Nói về giải thưởng, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN), Chủ biên “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam các năm 2009, 2010, 2011, 2012” cho rằng: Để khoa học phát triển, xã hội phát triển thì chúng ta cần có những cơ chế để những người có năng lực, có hoài bão, say mê được bộc lộ ra những khả năng của họ thực hiện những điều họ mong muốn và có khả năng thực hiện tốt nhất. Hoạt động của giải thưởng Bảo Sơn có ý nghĩa như những chồi non về một xã hội hiện đại phát triển theo chiều ngang ở Việt Nam. Quy mô của giải cũng không hề nhỏ và quyết tâm của ông chủ tịch Quỹ Bảo Sơn là rất lớn trong việc duy trì và phát triển giá trị cũng như danh tiếng của giải. Càng có nhiều đóng góp từ giới doanh nhân như vậy cho giới nghiên cứu thì nền khoa học của nước ta càng có điều kiện phát triển hơn.
 Đỗ Chiêm – Mai Anh - Bản tin số 266 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC